Sáng ngày 19/08/2023, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) đã tổ chức “Lễ ra mắt câu lạc bộ Kỹ thuật Ô tô” và Hội thảo “Đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô: Thay đổi để bắt kịp xu thế phát triển” tại Phòng họp II của Nhà trường.
Tại Hội thảo, phương hướng hoạt động của câu lạc bộ Kỹ thuật Ô tô được các hội viên tích cực đề xuất và cùng trao đổi thảo luận. Tham dự Hội thảo khoa học, các giảng viên đến từ nhiều trường Đại học, Cao đẳng khu vực phía Nam có đào tạo ngành Ô tô đã trình bày các bài tham luận, thảo luận với các chuyên gia trong ngành.
Lễ ra mắt câu lạc bộ Kỹ thuật Ô tô và Hội thảo “Đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô: Thay đổi để bắt kịp xu thế phát triển”
Ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô đóng một vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của đất nước. Xu hướng thay đổi của thị trường trong những năm gần đây đã tạo động lực mới cho sự phát triển của lĩnh vực này. Nắm bắt được xu thế đó, Khoa Cơ khí Động lực HCMUTE phối hợp với Hội Ô tô và Thiết bị Động lực TP.HCM cùng các Trường Đại học, Cao đẳng khu vực phía Nam có đào tạo ngành ô tô thành lập một tổ chức trực thuộc Hội, mang tên “Câu lạc bộ Kỹ thuật Ô tô”. “Câu lạc bộ Kỹ thuật Ô tô” là nơi kết nối công tác giảng dạy giữa các Trường Đại học, Cao đẳng với nhau. Đồng thời, Câu lạc bộ cũng là cầu nối thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học – Hiệp hội – Doanh nghiệp trong chiến lược nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp ô tô và cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội.
Câu lạc bộ Kỹ thuật Ô tô do TS. Huỳnh Phước Sơn – Trưởng khoa Cơ khí Động lực HCMUTE làm Chủ nhiệm
GS. TS. Nguyễn Văn Phước – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ tại Lễ ra mắt Câu lạc bộ
Tại Hội thảo, 08 tham luận được các giảng viên và chuyên gia cùng thảo luận, chia sẻ. Nhìn nhận thực trạng và xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, câu lạc bộ Kỹ thuật Ô tô bước đầu xây dựng những chiến lược, tầm nhìn, từ đó dần nâng cao vị thế câu lạc bộ hơn trong ngành. Hội thảo cũng nêu lên vai trò của Hội Ô tô và Thiết bị Động lực TP.HCM trong xu thế phát triển các lĩnh vực hoạt động liên quan đến ngành ô tô và thiết bị động lực hiện nay tại TP.HCM. Theo các chuyên gia, dự kiến, cơ hội việc làm của các kỹ sư ô tô sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian sắp tới. Vì thế, Hội thảo đặc biệt chú ý thảo luận về các định hướng đào tạo mới, chương trình đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô nhằm đáp ứng xu thế phát triển của ngành và cung cấp nguồn nhân lực kỹ sư chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội. Sinh viên không chỉ cần chủ động học tập thêm kiến thức thực tế bên ngoài mà còn cần tích cực tham gia các khóa học rèn luyện tay nghề, các chương trình đào tạo kỹ thuật viên,... Đồng thời, Hội thảo đã nêu lên một số giải pháp và cơ chế nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trong vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực sao cho hiệu quả.
TS. Huỳnh Phước Sơn trình bày tham luận tại Hội thảo
TS. Trần Hữu Nhân – Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM trình bày tham luận
08 báo cáo tham luận, thảo luận được trình bày tại Hội thảo gồm:
1. Cải cách đào tạo ngành công nghệ ô tô: Thay đổi hay là chết? – PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM;
2. Tổng quan hướng phát triển và đào tạo trong ngành ô tô – TS. Trần Hữu Nhân, Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM;
3. Đào tạo đại học ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô tại Việt Nam. Góc nhìn từ doanh nghiệp và cựu sinh viên – ông Huỳnh Tấn Thuyết, Toyota Biên Hòa;
4. Ứng dụng công nghệ dạy học hiện đại nâng cao chất lượng giảng dạy UTEx – Huỳnh Quốc Việt;
5. Đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô phù hợp với xu thế phát triển – TS. Võ Trọng Cang, Trường Đại học Bình Dương;
6. Chương trình đào tạo kỹ thuật viên Toyota T.TEP tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM – TS. Huỳnh Phước Sơn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM;
7. Dspace Lab Solution – giải pháp hỗ trợ cho việc đào tạo Công nghệ Kỹ thuật Ô tô hướng điện hóa, phần mềm điều khiển – TS. Ngô Đắc Việt, Công ty Veve;
8. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực ô tô điện tại Khoa Cơ khí Động lực HCMUTE – TS. Huỳnh Phước Sơn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Một trong những yếu tố cấu thành nên sự thành công chương trình chính là sự đồng hành từ phía nhà tài trợ của chương trình, bao gồm:
1. Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn SAMCO
2. Hội Ô tô và Thiết bị động lực TP.HCM
3. Công ty TNHH 3M Việt Nam
4. Công ty Cổ phần Sơn Ô tô Achison
5. Công ty TNHH Toyota An Sương
6. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đỉnh Bạch Mã
7. Công ty TNHH QV Auto Parts
8. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật Ô tô CCC Auto
9. Công ty TNHH Veve
Ông Trần Quốc Toản – Chủ tịch Hội Ô tô và thiết bị động lực TP.HCM trao quà tri ân nhà tài trợ
Tổng hợp: Cát Tường
Ảnh: Anh Vũ