Sáng ngày 17/01/2022, cuộc thi KO Hackathon II đã chính thức kết thúc và tìm ra được những sản phẩm, dự án xuất sắc. Nối tiếp thành công của năm trước, cuộc thi năm nay với 3 đề bài liên quan tới những vấn đề “nóng” trong xã hội, tiếp tục mang lại một sân chơi bổ ích về khoa học công nghệ để sinh viên, lập trình viên được vận dụng những kiến thức lý thuyết nhằm tạo ra ứng dụng hữu ích trong thực tế đời sống; đồng thời hướng đến mục tiêu lâu dài của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - Open Innovation. Trong cuộc thi năm nay, sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM (HCMUTE) đã xuất sắc mang về 1 giải Nhất với phần thưởng 2500 USD và 1 giải Nhì với phần thưởng 1250 USD.
Về cuộc thi KO Hackathon II năm 2022:
Với kinh nghiệm từ cuộc thi đầu tiên, năm nay, cuộc thi KO Hackathon II tiếp tục đem đến giá trị thiết thực cho cộng đồng lập trình viên, developer,... nhằm tìm ra giải pháp công nghệ tiên phong. Với 3 đề bài là những bài toán vô cùng “nóng” và nổi cộm trong xã hội ngày nay, bao gồm:
1. Phát hiện bất thường về bệnh lý từ dữ liệu tiếng ho cùng với FPT Software và dự án cộng đồng AICovidVN.
2. Phát triển hệ thống gợi ý cho chương trình giáo dục STEM với tổ chức phi chính phủ Kidspire.
3. Phát triển hệ thống gợi ý cho chương trình giáo dục STEM với tổ chức phi chính phủ Kidspire.
Cuộc thi năm nay hội tụ các đội nhóm lập trình đến từ 7 trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ: Đại học Bách Khoa TP. HCM, Đại học Sư Phạm Kỹ thuật TP. HCM, Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM, Đại học Công Nghiệp TP.HCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Đà Nẵng và Đại học Việt Đức với đội hình gồm 3 - 5 sinh viên các ngành CNTT, Điện - điện tử, Khoa học máy tính,...
Hướng đến đề bài thứ ba, hoạt động “Learning Activities with Ohmni Robots” từ công ty OhmniLabs, với mong muốn hợp tác với các trường đại học Việt Nam để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và ứng dụng Robotics từ giáo dục vào đời sống thực tế. Mỗi đội thi được trang bị 1 robot Ohmni thực tế và nền tảng phát triển Ohmni Developer. Với bộ khung lập trình có sẵn Ohmni API Cloud Programming Framework được tích hợp với hệ thống hỗ trợ docker cho phép vận hành Ubuntu hay bất cứ hệ thống vận hành robotics chuyên dụng nào (ROS – Robotics Operating System), các đội nhóm sẽ phát triển ứng dụng một cách dễ dàng, tăng khả năng mở rộng của ứng dụng trên nhiều môi trường và lĩnh vực khác nhau.
Sinh viên trường ĐH SPKT với cuộc thi:
Đến với cuộc thi KO Hackathon II, sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM đã xuất sắc đạt 1 giải Nhất (team SV - UTE AI Lab với sự hướng dẫn của thầy TS. Trần Vũ Hoàng) số điểm 97/100 và 1 giải Nhì (team Open Labs với sự hướng dẫn của thầy PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh) số điểm 96/100 trong lĩnh vực “Learning Activities with Ohmni Robots”.
Thành viên team SV-UTE AI Lab (từ trái qua): Bùi Khánh Phong, Đỗ Hữu Phú và Đặng Lê Hoài Hiếu
Bạn Đỗ Hữu Phú - trưởng nhóm SV - UTE AI Lab, sinh viên khóa 2016, ngành Điện - điện tử trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM chia sẻ:
“Mục đích của dự án là phát triển Ohmni Robot và ứng dụng vào lĩnh vực cụ thể trong đời sống nên nhóm mình đã định hướng Receptionist Robot - Robot lễ tân. Robot này có 3 nhiệm vụ chính: phát hiện và nhắc nhở người không đeo khẩu trang, tự động tìm đường sạc pin và sử dụng tour guide để giới thiệu về thông tin, sơ đồ khu vực trong trường.”
Màn hình làm việc của Robot lễ tân.
Về những khó khăn mà nhóm gặp phải khi thực hiện dự án, bạn Phú chia sẻ:
“Nhóm mình bắt đầu dự án vào 10.09.2021 và nộp bài vào 14.01.2022. Khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải là thiếu nhân lực, khi đó, nhóm chỉ còn 3 thành viên và các thành viên học các ngành khác nhau thuộc các khóa khác nhau, nên thời gian để nghiên cứu và hoàn thành dự án thường vào đêm hoặc các ngày chủ nhật. Vừa đi học đi làm lại vừa nghiên cứu dự án rất áp lực, lắm lúc nghĩ muốn bỏ cuộc rồi nhưng nhìn lại cả quá trình cố gắng của cả nhóm, mình đã lấy lại tinh thần tiếp tục “chiến đấu”. Cũng rất may mắn, khi nhóm đã hoàn thiện dự án và gửi video demo sản phẩm thời điểm đó khoảng 01 giờ sáng ngày 14.01”
Robot lễ tân và các thành viên nhóm.
Trong tình hình dịch COVID-19 với nhiều biến chủng mới được phát hiện và đã lây lan nhanh chóng thì những dự án ứng dụng Robot để thay thế con người thực nhằm giảm đi phần nào mức độ nguy hiểm, lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo AI và nền tảng Robot đã đem lại cơ hội để các bạn trẻ nói riêng và cộng đồng lập trình viên nói chung được thỏa sức sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn cuộc sống; đặc biệt là khi thế giới đang bước vào Cách mạng công nghiệp 4.0
Hy vọng thông qua cuộc thi này, thầy trò nhà trường sẽ đặt ra những mục tiêu chiến lược trong việc giáo dục và đào tạo thế hệ sinh viên năng động, sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học với khát khao đóng góp tài năng, trí tuệ để phục vụ xã hội.
Tổng hợp: Tuấn Tú
Ảnh: PMO