Sáng ngày 20/12/2023, tại Hội thảo “Hội đồng Hiệu trưởng đợt 2 năm 2023”, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai Đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA và từng bước hướng tới đa dạng các bộ chuẩn kiểm định quốc tế.
Hội thảo “Hội đồng Hiệu trưởng đợt 2 năm 2023” do Trường Đại học Mở TP.HCM phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức, nằm trong chương trình hành động của Hội đồng Hiệu trưởng khối ngành Sư phạm, nhằm hiến kế xây dựng chính sách phát triển Thành phố. Đây là cơ hội để các nhà quản lý giáo dục cùng nhau đưa ra các ý kiến và đề xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển lâu dài, bền vững cho giáo dục đại học.
Đại biểu tham dự Hội thảo “Hội đồng Hiệu trưởng đợt 2 năm 2023”
Hội thảo với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ 5 Trường, tập trung vào hai chủ đề: (1) Chia sẻ kinh nghiệm và so sánh việc triển khai đánh giá/kiểm định chương trình đào tạo theo các bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, (2) Xây dựng mô hình Đại học chia sẻ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS. Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM đã nhấn mạnh hội thảo sẽ tạo ra môi trường giao lưu và chia sẻ giữa các nhà khoa học, chuyên gia và giảng viên từ các Viện, các Trường Đại học, Cao đẳng để đánh giá chương trình theo các chuẩn và phát triển mô hình Đại học chia sẻ.
ThS. Vũ Thị Thanh Thảo - Phó trưởng P.ĐBCL chia sẻ kinh nghiệm về đánh giá chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA
Tại Hội thảo, Báo cáo từ phía Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm triển khai Đánh giá 18 Chương trình Đào tạo (CTĐT) theo tiêu chuẩn AUN-QA và hướng tới đa dạng các chuẩn kiểm định quốc tế. Để đạt được kết quả trên, trước hết là sự thống nhất và kiên định của Ban lãnh đạo Nhà trường qua các nhiệm kỳ. Đảm bảo chất lượng là một trong những chiến lược hành động chủ chốt; Nhà trường luôn đặt mục tiêu ưu tiên về quyền lợi cho người học, cam kết về chất lượng đào tạo với xã hội. Mặt khác, kết quả kiểm định, đánh giá là cơ sở để nhà trường có những thay đổi và cải tiến liên tục nhằm hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, với hệ thống công cụ giám sát, tiêu chí đo lường, chỉ số cụ thể cho từng mặt hoạt động (hệ thống dashboard dữ liệu dùng chung, hệ thống KPI, hệ sinh thái gồm 32 phần mềm hỗ trợ quản lý theo chức năng như quản lý học vụ, Khảo sát các bên liên quan, v.v…). Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ về công tác Đảm bảo chất lượng, kiểm định luôn được Nhà trường ưu tiên chú trọng.
Cùng với xu hướng hội nhập và hướng tới Đại học sẻ chia, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã xây dựng và triển khai thành công 81 khóa MOOCs, với hơn 23.000 lượt Sinh viên đăng ký học. Điểm đáng chú ý là tỉ lệ sinh viên hoàn thành khóa học lên đến 80%, nhờ vào sự kết hợp đa dạng các hoạt động và các hình thức tương tác nhằm hỗ trợ người học đạt mục tiêu khóa học. Điều đó cho thấy được sự khả thi và hiệu quả trong quá trình triển khai các khóa học MOOCs. Với mô hình này giúp Nhà trường giảm tải được phòng ốc và thời gian di chuyển cho sinh viên, đồng thời thuận tiện trong việc công nhận tín chỉ giữa các trường Đại học.
Bên cạnh đó, các bài tham luận khác tập trung chia sẻ về Xu hướng phát triển các khóa MOOCs, Đại học sẻ chia, các Bộ chuẩn kiểm định, thực trạng kiểm định CTĐT tại Việt nam và một số khuyến nghị cải tiến.
Tin: Phòng Đảm bảo Chất lượng HCMUTE