Thực hiện triết lý Nhân Bản được Nhà trường kiên định trong suốt hơn 62 năm qua, đồng thời đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ và tư vấn cho sinh viên, gặp gỡ, lắng nghe và thông tin kết quả hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp sinh viên nâng cao hiểu biết về tài chính, có thêm kỹ năng về quản lý tài chính cá nhân, sáng ngày 07/05/2024, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) đã tổ chức chương trình gặp gỡ sinh viên có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn và báo cáo chuyên đề “Tài chính cá nhân và những điều cần biết”.
Chương trình Gặp gỡ sinh viên có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn và báo cáo chuyên đề “Tài chính cá nhân và những điều cần biết”
Tham dự chương trình có đại diện các thầy, cô là lãnh đạo các phòng, ban, các khoa, viện có quản lý sinh viên, cùng hơn 250 sinh viên trường.
Mở đầu chương trình, ThS. Lê Quang Bình – Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác Sinh viên đã trình bày Báo cáo công tác hỗ trợ sinh viên khó khăn của Nhà trường năm học 2023-2024.
Về công tác triển khai năm học 2023-2024:
● Nhà trường đã hoàn tất trang bị 07 phòng máy tính phục vụ giảng dạy và học tập cho sinh viên với 245 máy tính mới;
● Thực hiện xét cấp trợ cấp khó khăn học kỳ I năm học 2023-2024 cho 978 sinh viên với số tiền gần 6,2 tỷ đồng;
● Triển khai hoạt động Văn phòng Tư vấn tâm lý và hỗ trợ sinh viên tại Tầng hầm Tòa nhà trung tâm;
● Cải tạo lại Khu vực tầng hầm thành khu tự học, nghĩ ngơi cho sinh viên;
● Khánh thành và đưa vào hoạt động Không gian Sáng tạo – Maker Space;
● Tổ chức khám sức khỏe cho gần 6.000 Tân sinh viên;
● Vận động tài trợ vào Quỹ học bổng sinh viên Trường gần 600 triệu đồng và 21 tỷ cho trang thiết bị hỗ trợ học tập;
● Hỗ trợ ổn định chỗ ở, an tâm học tập với 1.700 sinh viên được vào ở Ký túc xá của Đại học Quốc gia TP.HCM;
● Ban hành Quy định quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ người học.
Về công tác xét trợ cấp khó khăn cho sinh viên ở học kỳ II năm học 2023-2024:
Ngày 14/03/2024, Nhà trường đã ban hành Thông báo số 543/TB-ĐHSPKT về việc xét trợ cấp cho sinh viên khó khăn học kỳ II năm học 2023-2024. Số lượng hồ sơ nộp về các Khoa được tổng hợp trình lên Hội đồng là 931 hồ sơ. Sau khi xét duyệt Hội đồng đã chọn ra 927 hồ sơ để trợ cấp khó khăn (04 hồ sơ không được trợ cấp có 01 sinh viên đã tốt nghiệp và 03 sinh viên tạm dừng học tập).
Tổng mức kinh phí trợ cấp là 5.294.000 đồng, trong đó có 452 sinh viên được cấp 3,5 triệu đồng, 346 sinh viên được cấp 7 triệu đồng và 129 sinh viên được cấp 10 triệu đồng.
ThS. Lê Quang Bình cho biết Phòng Tuyển sinh và Công tác Sinh viên sẽ tiếp tục đề xuất với lãnh đạo Nhà trường: Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác hỗ trợ sinh viên; Các đơn vị thuộc Trường tích cực vận động tài trợ cho Quỹ hỗ trợ sinh viên; Các Khoa quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện nắm bắt hoàn cảnh, xét và đề xuất mức trợ cấp phù hợp, cân đối; Giới thiệu đến sinh viên những công việc làm thêm phù hợp với năng lực, chuyên môn; Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên phát huy vai trò bạn đồng hành cùng sinh viên.
Đại diện Phòng Tuyển sinh và Công tác Sinh viên cũng kiến nghị các bạn sinh viên: Vững tin và quyết tâm trong học tập, TUYỆT ĐỐI KHÔNG BỎ HỌC; Nắm bắt thông tin về các kênh hỗ trợ của Trường, Khoa, đội ngũ tư vấn sinh viên; Thông tin với Khoa, Phòng/Ban chức năng khi thấy có bạn sinh viên gặp khó khăn; Cân đối thời gian học tập, làm thêm; Biết và thực hành quản lý tài chính cá nhân phù hợp, hiệu quả.
Đến với chuyên đề “Tài chính cá nhân và những điều cần biết”, các bạn sinh viên đã được lắng nghe những chia sẻ đến từ ThS. Trần Thụy Ái Phương – giảng viên Bộ môn Tài chính – Kế toán, Khoa Kinh tế của Nhà trường.
ThS. Trần Thụy Ái Phương báo cáo chuyên đề “Tài chính cá nhân và những điều cần biết”
Với mục đích tạo động lực nâng cao khả năng tự chịu trách nhiệm về mặt tài chính của sinh viên khi rời xa vòng tay gia đình và phải tự quản lý khả năng tài chính cá nhân, ThS. Trần Thụy Ái Phương đã trình bày các vấn đề về khái niệm tài chính, tìm hiểu tình trạng tài chính của bản thân, các bước lập kế hoạch tài chính và những công cụ hỗ trợ. Đồng thời, ThS. Trần Thụy Ái Phương cũng đưa ra 05 cách lập kế hoạch tài chính: Đánh giá tình hình tài chính cá nhân hiện tại; Giảm thiểu hoặc loại bỏ những khoản chi không thiết yếu; Đặt ra các mục tiêu tài chính; Lập kế hoạch chi tiêu cùng với việc tuân thủ và Kỷ luật để dễ dàng lập ra các mục tiêu cá nhân, hình thành kỹ năng quản lý chi tiêu lành mạnh và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, các bạn sinh viên còn được giải đáp các câu hỏi thắc mắc về cách quản lý tài chính cá nhân thông qua phần Q&A tại chương trình.
Các bạn sinh viên đặt câu hỏi giao lưu tại chương trình
Thông qua chương trình, các bạn sinh viên HCMUTE đã phần nào nâng cao hiểu biết về giá trị của việc quản lý tài chính hiệu quả, hình thành kỹ năng quản lý chi tiêu hợp lý trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng đã lắng nghe được nhiều chia sẻ của các bạn sinh viên khó khăn, từ đó, Nhà trường thấu hiểu hơn và sẽ có nhiều chính sách hơn để hỗ trợ các em trong thời gian tới.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với triết lý giáo dục “Nhân bản” được đặt lên hàng đầu, luôn nỗ lực “không để sinh viên nào bị bỏ lại phía sau”, Nhà trường sẽ luôn đồng hành thực hiện nhiều công tác hỗ trợ các học bổng giá trị cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Tin: Anh Thư, Hoàng Tú
Ảnh: Minh Giang