Chiều ngày 25/6/2020, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Bảo Sơn 2019 và giải Bảo Sơn đặc biệt năm
2020 cho 2 Công trình "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam" của PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng – Trưởng khoa công nghệ Hóa học – Thực phẩm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và nhóm chủ nhiệm cùng công trình “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19” do PGS.TS Hồ Anh Sơn và cộng sự Học viện Quân y thực hiện.
Bảo Sơn là giải thưởng do Quỹ Giáo dục Bảo Sơn của Tập đoàn Bảo Sơn phối hợp với Bộ GDĐT tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả/nhóm tác giả sở hữu các sáng chế, công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng có kết quả, đóng góp nổi bật và ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và con người Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng bên nghiên cứu của mình
Công trình "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam" đã được PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng thực hiện trong 20 năm, từ năm 1999 đến năm 2019, liên tục cải tiến qua nhiều phiên bản. Mỗi phiên bản đều được nhóm nghiên cứu cải tiến rất nhiều về mẫu mã, hình dáng, chất lượng kỹ thuật và ngày càng tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, hệ thống tự động đo lường và điều khiển quá trình sấy ứng dụng công nghệ Internet of Things (IoT - Kết nối vạn vật) giúp cho việc điều khiển hệ thống sấy trở nên thuận tiện hơn, có thể thực hiện được mọi lúc mọi nơi.
PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng vinh dự nhận giải thưởng từ Bộ GDDT và Tập đoàn Bảo Sơn
Về ý tưởng thực hiện công trình, PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ, ông xuất phát từ vị trí kỹ sư, làm việc cho một công ty nước ngoài về lĩnh vực lạnh đông và điều hòa không khí, tham gia từ khâu thiết kế cho đến gia công chế tạo hệ thống lạnh trong 4 năm. Trong khoảng thời gian ấy, ông đã học được những kiến thức chuyên sâu trong ngành kỹ thuật lạnh và kỹ thuật lạnh đông sâu. Sau đó, ông chuyển sang lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu, nuôi khát khao làm ra sản phẩm công nghệ mới giúp ích cho cộng đồng và xã hội.
Công trình “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam” của ông cùng với nhóm nghiên cứu đã hình thành vào năm 1999. Suốt một chặng đường 20 từ năm 1999 đến năm 2019, ông và nhóm nghiên cứu đã trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau từ thất vọng cho đến hân hoan, vui sướng, hạnh phúc. Cho đến bây giờ những hệ thống sấy thăng hoa DS-xx đã được triển khai ứng dụng trên toàn quốc.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Dũng cho biết thêm, đối với các loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, tổ yến, sữa ong chúa,….sấy thăng hoa được xem là giải pháp tối ưu bởi nếu bảo quản bằng phương pháp lạnh đông hay sấy thông thường sẽ không bảo toàn được tính chất tự nhiên của sản phẩm. Sấy thăng hoa có quá trình sấy được tiến hành trong môi trường có nhiệt độ và áp suất thấp, nhiệt độ vật liệu sấy dưới điểm kết tinh. Vì thế, protein của vật sấy không bị biến tính, lipid không bị ôxy hóa, gluxit không bị hồ hóa, các hoạt chất sinh học, vitamin, khoáng chất không bị phá hủy, màu sắc và mùi vị gần như không thay đổi.
Chia sẻ về việc đạt được giải thưởng Bảo Sơn, giải thưởng không chỉ mang lại niềm vui, niềm tự hào cho bản thân ông và nhóm nghiên cứu mà còn cho cả trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM – nơi ông công tác. Ông hy vọng công trình sẽ được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, giúp ích cho cộng đồng và xã hội, góp phần phát triển kinh tế doanh nghiệp, kinh tế đất nước, phát triển KHCN quốc gia cũng như phục vụ cho giáo dục và đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực có trình độ cho xã hội.
Hoài Thanh – tổng hợp