Từ ngày 28 – 30/04/2023, Hội thảo Quốc tế: Dạy và Học Ngoại ngữ Ngày nay 2023 – Language Teaching and Learning Today 2023 (LTLT 2023) đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE).
LTLT là chuỗi Hội thảo Quốc tế do Khoa Ngoại ngữ của HCMUTE khởi xướng và định hướng phát triển nội dung. Hội thảo có sứ mệnh xây dựng năng lực giảng dạy tiếng Anh cho giáo viên và phát triển mạnh mẽ cộng đồng học ngoại ngữ bằng cách khám phá các vấn đề quan trọng của việc dạy và học ngôn ngữ vì sự phát triển bền vững của xã hội trong thế kỷ 21. Hội thảo có sự tham gia của 03 diễn giả chính là GS. TS. Andy Gao, TS. Christine O’Leary và TS. Đặng Thị Vân Anh với các báo cáo về sự đa dạng trong dạy học và năng lực tự học của học sinh trong quá trình học ngoại ngữ thời nay.
Tập huấn về hành trình làm nghiên cứu bên lề Hội thảo
LTLT 2023 có sự góp mặt của hơn 350 giảng viên, giáo viên, nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, nhà cung cấp công nghệ giáo dục, sinh viên, cùng các bên liên quan trong lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ từ nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Úc, Thái Lan, Malaysia, và Việt Nam. Hội thảo tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp liên quan đến những thách thức về sự đa dạng hóa trong học tập và phát triển năng lực tự học trong nhiều bối cảnh kinh tế, xã hội, tôn giáo và tâm lý người học khác nhau. Với hơn 60 báo cáo, Hội thảo đã ghi nhận một bức tranh tổng thể đa dạng về các quan điểm học tập, quan điểm dạy học, các phương pháp tiếp cận giảng dạy, cùng sự phức tạp của quá trình hình thành và phát triển năng lực tự học ngoại ngữ của học sinh, sinh viên ở nhiều môi trường học tập ở khắp nơi. Rất nhiều bài học kinh nghiệm được đúc kết để sẵn sàng cho một xã hội học tập bền vững trong thế kỷ 21.
Từ trái sang: TS. Lê Nhân Thành, GS. TS. Andy Gao và TS. Đặng Tấn Tín
Các chủ đề của Hội thảo LTLT 2023 bao gồm:
- Năng lực tự học, học cá nhân và học hợp tác;
- Động lực học tập, sở thích cá nhân và các nhân tố ảnh hưởng khác;
- Quá trình phát triển ngôn ngữ và cơ hội học tập;
- Thái độ học tập và bản sắc dân tộc;
- Hành vi học tập trong không gian kết nối đa chiều;
- Ngôn ngữ và văn hóa trong cộng đồng học tập;
- Phát triển và thiết kế tài liệu trong bối cảnh toàn cầu hóa;
- Thành tích học tập và đánh giá kết quả theo thuyết kiến tạo;
- Phương pháp giảng dạy trong môi trường học tập kết hợp;
- Dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh;
- Công nghệ trong dạy và học ngoại ngữ;
- Giảng dạy tích hợp nội dung chuyên ngành và phát triển ngôn ngữ;
- Mô hình phát triển nghiệp vụ cho giáo viên ngôn ngữ;
- Phương pháp phát triển cộng đồng nghề nghiệp bền vững.
Diễn giả phiên toàn thể: GS. TS. Andy Gao, Đại học New South Wales, Úc
Diễn giả phiên toàn thể: TS. Đặng Thị Vân Anh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
“Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, đầu tư cho việc học ngoại ngữ của người học đã không ngừng tăng lên, chủ yếu với mục tiêu có được cơ hội việc làm tốt hơn trên thị trường lao động. Hầu hết các nhà tuyển dụng ngày nay luôn yêu cầu người lao động của mình phải giao tiếp hiệu quả không chỉ bằng tiếng Anh mà còn phải bằng ít nhất một ngôn ngữ khác để mang đến thành công hơn nữa cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các sinh viên, học sinh ngày nay lại yêu cầu các chương trình đào tạo ngôn ngữ phải có những linh động cụ thể sao cho thật thích ứng với nhu cầu học tập của cá nhân mình. Điều này đòi hỏi cả người thiết kế chương trình lẫn giáo viên phải đa dạng hóa các mục tiêu đào tạo, linh hoạt trong phương pháp giảng dạy và tối ưu được cơ hội học tập cho từng đối tượng cụ thể nhằm tạo ra môi trường học tập chất lượng và bền vững.”, TS. Đặng Tấn Tín – Trưởng khoa Ngoại ngữ HCMUTE chia sẻ tại lễ khai mạc của Hội thảo.
TS. Đặng Tấn Tín – Trưởng khoa Ngoại ngữ HCMUTE chia sẻ tại lễ khai mạc của Hội thảo
LTLT 2023 đã tạo ra được một diễn đàn phân tích sôi nổi và hiệu quả cho các chuyên gia, giảng viên, sinh viên và những người tham dự khác. Các cuộc thảo luận chuyên sâu, những báo cáo giàu dữ liệu, và những nghiên cứu thực tiễn đã được trình bày trong suốt hai ngày của hội thảo, mang lại nhiều bài học quý giá cho quá trình cải thiện dịch vụ, năng lực chuyên môn, và chất lượng đào tạo tại các vùng miền khác nhau nói chung và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nói riêng.
Một số thành viên BTC, diễn giả và người tham dự
Tổng hợp: Đắc Khoa
Ảnh: Phòng Truyền thông