Nhằm mục đích tạo sân chơi bổ ích cho các em sinh viên có cơ hội giao lưu và rèn luyện tay nghề, thường niên, Khoa Thời trang và Du lịch – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) tổ chức Hội thi “Bàn tay vàng” với những chủ đề thi được thường xuyên đổi mới và ngày càng tăng sức hấp dẫn. Đây là cơ hội cho sinh viên thể hiện tài năng và sức sáng tạo của mình. Hội thi “Bàn tay vàng” năm nay được tổ chức với 2 môn thi chính là “Đầu bếp chay tài năng” và “Thiết kế trang phục, phụ trang tái chế từ chất liệu Jean” trong thời gian từ ngày 12/04/2023 đến ngày 27/04/2023 với nhiều vòng tranh tài hấp dẫn.
Ngày 12/04/2023, khai mạc Hội thi, ngành Quản trị Nhà hàng đã tổ chức môn thi “Đầu bếp chay tài năng” với chủ đề “Ẩm thực chay – Phong vị hiện đại”. Cuộc thi thu hút sự tham gia của 30 đội và được tổ chức tại sảnh nhà hàng Cây đa HCMUTE. Đồng thời, Bộ môn cũng kết hợp tổ chức Hội thảo chủ đề “Ẩm thực chay – Phong vị hiện đại” do chính Hội đồng Ban giám khảo hội thi chia sẻ.
Các món chay của các thí sinh
Diễn giả, Giám khảo môn thi “Đầu bếp chay tài năng” cô Hồ Đắc Thiếu Anh và cô Nguyễn Hồ Tiếu Anh – Nghệ nhân ẩm thực, Cô Vũ Trần – Đầu bếp, chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ tại Hội thảo
Môn thi “Thiết kế trang phục, phụ trang tái chế từ chất liệu Jean” được tổ chức thành hai vòng thi. Bao gồm vòng 1 “Vẽ phác thảo mẫu, lập bảng vẽ kỹ thuật và bảng màu cho sản phẩm tái chế từ vải Jeans” diễn ra vào ngày khai mạc 12/04/2023 tại phòng R&D và vòng 2 “Xử lý chất liệu, cắt may và hoàn thiện sản phẩm” diễn ra vào ngày 20/04/2023 tại xưởng May lầu 1, khu A. Cạnh tranh ở vòng thi 1 là 21 đội thi Thiết kế trang phục và 20 đội thi Thiết kế phụ trang với yêu cầu thiết kế 01 mẫu trang phục hoặc 01 mẫu túi xách theo phiếu đã đăng ký. Điểm mới của Hội thi năm nay là sự kết hợp giữa sinh viên ngành Thiết kế thời trang và sinh viên ngành Công nghệ May trong cùng 01 đội thi, với yêu cầu thời gian hoàn thành mẫu phác thảo là 3 giờ. Thông qua sự kết hợp này, các em sinh viên không chỉ hiểu được tinh thần đồng đội nhóm mà còn nắm rõ hơn vai trò và nhiệm vụ của ngành mình đang theo học trong sự phát triển của ngành Dệt – May – Thời trang. Tại vòng thi 2, các em đã biết vận dụng những kiến thức được học trong các môn học về Xử lý chất liệu, Nguyên phụ liệu may, thiết kế trang phục, thiết kế phụ trang, thực hành cắt may,… để ứng dụng vào bài thi và tạo nên những đứa con tinh thần mang đậm dấu ấn cá nhân, để lại ấn tượng với Hội đồng Ban giám khảo.
Khai mạc vòng thi 1 “Vẽ phác thảo mẫu, lập bảng vẽ kỹ thuật và bảng màu cho sản phẩm tái chế từ vải Jeans”
Thí sinh thực hiện vòng thi 2 “Xử lý chất liệu, cắt may và hoàn thiện sản phẩm”
Sáng ngày 27/04/2023, tại Phòng họp II đã diễn ra buổi trình diễn, trao giải và tổng kết Hội thi “Bàn tay vàng” lần thứ 10 do Khoa Thời Trang và Du lịch tổ chức. Tại buổi biểu diễn, các em sinh viên đã trình diễn cho các thầy cô, bạn bè và các nhà doanh nghiệp cùng chiêm ngưỡng 21 bộ trang phục và 20 sản phẩm túi xách. Jean tái chế là một loại chất liệu khó, yêu cầu cao đối với người thiết kế. Qua đôi bàn tay xử lý khéo léo, sáng tạo, mỗi tác phẩm trình diễn đều mang những nét cá tính, phong cách riêng biệt của sinh viên thiết kế.
Phần trình diễn của các đội thi trang phục
Hội đồng Ban giám khảo phần thi đã chia sẻ về những khó khăn khi đưa ra quyết định chọn đội thi đạt giải Nhất, vì mỗi trang phục, phụ trang đều có nét đặc sắc riêng và tạo được dấu ấn tốt với khán giả. Kết quả Ban tổ chức đã trao 02 giải Nhất, 02 giải Nhì, 04 giải Ba và 06 giải Khuyến khích cho các sản phẩm trang phục và phụ trang. Thông qua những sản phẩm và phong cách trình diễn độc đáo, buổi trình diễn đã mang lại cảm giác mãn nhãn, sắc xanh vải Jean tạo nên cảm giác hài hòa, mát mẻ trong cái nắng mùa hè. Hội thi “Bàn tay vàng” năm nay do Khoa Thời trang và Du lịch tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp, hội thi đã được các em sinh viên nhiệt tình tham gia với các bài thi rất chất lượng.
Trao giải cho môn thi “Thiết kế trang phục, phụ trang tái chế từ chất liệu Jean”
Tổng hợp: Cát Tường
Ảnh: Phòng Truyền thông