Chiều ngày 13/4/2017, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh hân hạnh đón Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đến thăm và trao đổi với cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường.
Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có ông Hà Hữu Phúc - Vụ trưởng, giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại Tp. HCM, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng vụ giáo dục đại học, ông Trần Quang Nam – Phó chánh văn phòng Bộ GD&ĐT, ông Nuyễn Văn Cừ - Thư kí bộ trưởng. Về phía nhà trường, có NGƯT.PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS Lê Hiếu Giang – Phó hiệu trưởng, TS. Ngô Văn Thuyên – Phó hiệu trưởng, ThS. Trương Thị Hiền – Phó hiệu trưởng cùng lãnh đạo các phòng, ban, trung tâm, viện trực thuộc.
Đón đoàn tại Sảnh tòa nhà Trung tâm
Bộ trưởng trò chuyện với robot tiếp tân và uống cà phê Javi tại sảnh TNTT
Trước khi bước vào buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn cán bộ đã trò chuyện với robot tiếp tân, dùng cà phê Javi do chính sinh viên, giảng viên nhà trường nghiên cứu, chế tạo và tham quan cơ sở vật chất của trường (phòng dạy học số, không gian kỹ thuật mở,...). Tại đây, Bộ trưởng vô cùng ngạc nhiên và đánh giá cao những sản phẩm sáng tạo của sinh viên và những nỗ lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập, nghiên cứu của nhà trường.
Tham quan phòng Dạy học số
Không gian kỹ thuật mở khu E và tòa nhà CNC
Mở đầu buổi làm việc, NGƯT.PGS.TS Đỗ Văn Dũng báo cáo vắn tắt tình hình hoạt động của nhà trường và phương hướng nhiệm vụ của trường trong thời gian tới. Ông nêu rõ trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là trường đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng công nghệ và ứng dụng với bề dày truyền thống gần 55 năm, giữ vai trò là trường đại học nòng cốt trong sự phát triển hệ thống các trường sư phạm kỹ thuật trên toàn quốc; cung cấp chủ yếu lực lượng giáo viên dạy nghề và kỹ sư công nghệ có chất lượng cao cho cả nước, đặc biệt cho khu vực phía Nam.
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình với tư cách là trường dẫn đầu trong hệ thống sư phạm kỹ thuật, nhà trường đã chủ động đổi mới hướng đến mục tiêu trở thành trường đại học sư phạm kỹ thuật trọng điểm quốc gia, định hướng phát triển trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. HCM thành trường đại học thông minh. Trên chặng đường thực hiện mục tiêu ấy, trong những năm gần đây, nhà trường đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng về đổi mới công tác quản lý chất lượng; công tác đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; đổi mới chính sách, cơ chế tài chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng phát biểu
Trên cơ sở những kết quả đạt được, lãnh đạo nhà trường cũng đề xuất định hướng phát triển nhà trường trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh những điểm chủ yếu như đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng đào tạo, chủ động hội nhập quốc tế; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; phát triển nhà trường theo hướng phục vụ cộng đồng; hoàn thiện bộ máy tổ chức và phát triển nguồn nhân sực có trình độ cao; phát triển hệ thống cơ sở vật chất – kỹ thuật và xây dựng kế hoạch tài chính tối ưu; đẩy mạnh phát triển quan hệ quốc tế.
Bộ trưởng phát biểu
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có nhiều chia sẻ liên quan đến công tác phân luồng, bồi dưỡng đào tạo giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới và gợi ý hướng đi cho nhà trường trong bối cảnh hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trước hết, Bộ trưởng cho rằng “chỉ có sự khác biệt mới định hình giá trị thương hiệu của một trường đại học”, chính vì vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển, trường cần xác định rõ sứ mệnh của mình trong công tác đào tạo, tránh đào tạo tràn lan, dàn trải, quá chạy theo khuynh hướng của thị trường. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, sâu rộng, Bộ trưởng đề nghị trường cần nhanh chóng rà soát các chương trình đạt chuẩn, xây dựng các chương trình mới theo chuẩn, tiếp cận với chuẩn mực thế giới ngay từ bây giờ để đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Toàn cảnh hội trường
Bộ trưởng cũng cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo lại, đào tạo mới đội ngũ giáo viên cho các môn học có tính chất hướng nghiệp - kỹ thuật sẽ rất quan trọng. Do đó, trách nhiệm của các trường sư phạm trong đó có Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. HCM là rất cao.Vì vậy, theo Bộ trưởng nhà trường cần phải chủ động chuẩn bị để đảm bảo sự đồng bộ, đồng cấp khi chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới được ban hành. Bộ trưởng còn nhấn mạnh rằng, “mỗi một trường đại học đều có sứ mệnh riêng. Trường Đại học SPKT TPHCM cũng vậy, và sứ mệnh của nhà trường chính là giữ vững, phát huy và ổn định nhóm sư phạm kỹ thuật. Bởi đây mới chính là sứ mệnh cốt lõi của nhà trường với xã hội”. Vì thế nên ngoài nhiệm vụ đào tạo một lớp giáo viên mới, bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên cũ thì trọng trách của các trường khối ngành sư phạm kỹ thuật trong công tác đào tạo giáo viên cho các trường cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp nghề là rất quan trọng khi thực hiện đổi mới. Đây vừa là thách thức cũng như gánh nặng to lớn của nhà trường trong thời gian tới nhưng đồng thời cũng chính là cơ hội tốt mà nhà trường cần nắm bắt để phát triển. “Chỉ cần nhà trường tiếp tục phát huy thế mạnh của việc phát triển, chuẩn hóa đội ngũ thông qua mối quan hệ doanh nghiệp và nhà trường, song song với việc xây dựng các chính sách thu hút, khuyến khích những người thầy giỏi (giỏi kỹ năng thực hành) về trường thì chắc chắn công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho giáo viên sẽ tốt, đáp ứng yêu cầu đổi mới” - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Giảng viên/Sinh viên phát biểu ý kiến
Liên quan đến các kiến nghị của nhà trường, bộ trưởng đề nghị nhà trường mạnh dạn xây dựng đề án tự chủ tiến tới trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực trong đó chú trọng đến công tác đào tạo đội ngũ giáo viên kỹ thuật, giáo viên phục vụ chương trình đổi mới phổ thông trung học các môn hướng nghiệp. Bộ trưởng cho biết sẽ hỗ trợ để trường nhanh chóng đạt chuẩn quốc tế từ đó làm cơ sở để xây dựng trường thành đại học trọng điểm (căn cứ vào năng lực của nhà trường trong phân tầng xếp hạng). Chủ trương về mở rộng phạm vi đào tạo của trường đến các địa phương khác (đặc biệt là khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nơi chưa có các trường đào tạo về sư phạm kỹ thuật) được bộ trưởng hết sức tán thành nhưng cần phải có sự tính toán cụ thể.
Đại Lợi