Ngày 26/05/2023, tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã diễn ra Hội thảo “Xây dựng lộ trình và chiến lược Chuyển đổi số trong Giáo dục Đại học Việt Nam” do Trường Đại học Phú Xuân phối hợp cùng Nhà trường đồng tổ chức. Hội thảo nằm trong chuỗi các hội thảo của dự án “DIGI: Đổi” – Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các Trường Đại học ở Việt Nam do Trường Đại học Phú Xuân (Việt Nam) phối hợp đồng trưởng điều hành cùng Trường Đại học Liverpool John Moores (Vương quốc Anh).
Hội thảo “Xây dựng lộ trình và chiến lược Chuyển đổi số trong Giáo dục Đại học Việt Nam”
Khai mạc Hội thảo, ông Phạm Ngọc Lan – Trưởng ban Công tác Hội viên, Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh nhiệm vụ của dự án “Digi: Đổi” là thay đổi nhận thức về Chuyển đổi số cho các Trường Đại học, tạo nên một mô hình, lộ trình cũng như công cụ chuyển đổi số cho các Trường Đại học Việt Nam và mong muốn các Trường Đại học, Cao đẳng tích cực tham gia cùng triển khai dự án. Tại Hội thảo, các Trường Đại học, Cao đẳng cùng chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Trình bày tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Minh Triết – Giám đốc Trung tâm Dạy học số của HCMUTE đã có phần trình bày “Kinh nghiệm và mô hình chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM”.
ThS. Nguyễn Minh Triết trình bày tại Hội thảo
Theo ông Triết, cần có sự quan tâm, đồng hành của Ban lãnh đạo Trường, Ban chủ nhiệm Khoa khi áp dụng các mô hình chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học tại các trường. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với tôn chỉ lấy con người làm trung tâm, quyền lợi và tâm tư, tình cảm của sinh viên được đặt lên hàng đầu. Không chỉ thường xuyên khuyến khích sinh viên thực hiện các khảo sát về chất lượng dạy và học, phiếu khảo sát dành cho sinh viên đã tham gia học online,… mà Nhà trường còn tập trung xây dựng kho tài liệu học tập trên thư viện số, đáp ứng nhu cầu tiếp cận giáo trình, tài liệu của sinh viên. Việc mở lớp trực tuyến, học qua hình thức online khi giảng viên có việc không thể đứng lớp trực tiếp đã giải quyết được vấn đề nan giải tìm buổi học bù giữa lịch trình khác nhau của các sinh viên. Hệ thống dạy học trực tuyến trở thành công cụ đắc lực cho giảng viên và sinh viên. Sinh viên chủ động hơn trong việc học bằng cách đăng nhập vào hệ thống, xem trước các bài giảng, tài liệu học trước khi lên lớp. Giảng viên có thể ra đề và cho phép sinh viên thực hiện các bài kiểm tra online, với kết quả được hệ thống chấm tự động. Có thể thấy, mô hình dạy học trực tuyến kết hợp giảng dạy trực tiếp trên lớp đang được Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM áp dụng khá thành công và đang cải thiện ngày một tốt hơn.
Tổng hợp: Cát Tường
Ảnh: Lê Kiên