Tối ngày 24/11/2023, tại Hội trường lớn của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) đã diễn ra Lễ khai mạc cuộc thi “Tiếng hát sinh viên toàn quốc lần thứ 15 năm 2023” (S-MUSIC 2023) – Khu vực phía Nam.
Khai mạc cuộc thi “Tiếng hát Sinh viên toàn quốc lần thứ 15 năm 2023” – Khu vực phía Nam
Cuộc thi “Tiếng hát Sinh viên toàn quốc lần thứ 15 năm 2023” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) tổ chức là hoạt động văn hóa – văn nghệ truyền thống có quy mô lớn nhất cho sinh viên. Sau 14 lần tổ chức, cuộc thi đã khẳng định được vai trò là sân chơi sân chơi ca múa đỉnh cao của sinh viên toàn quốc, là cơ hội để sinh viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Với chủ đề: ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, Nhà trường, thầy cô và bạn bè; thể hiện ước mơ, khát vọng, tình cảm, trách nhiệm của sinh viên đối với bản thân, gia đình và cộng đồng, S-MUSIC 2023 hứa hẹn sẽ mang đến sân chơi vô cùng bổ ích, lành mạnh và không kém phần hấp dẫn cho sinh viên các Trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trên toàn quốc.
Lễ khai mạc có sự tham dự của TS. Ngô Thị Minh – Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Trần Văn Đạt – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT); bà Vũ Thị Thanh Loan – Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Giáo dục Đại dương (Ocean Edu), cùng lãnh đạo các Trường, đại biểu các Sở, Ban ngành trên địa bàn TP.HCM. Phía HCMUTE có TS. Trương Thị Hiền – Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng các Thầy/Cô là lãnh đạo các đơn vị trong Trường và đông đảo sinh viên các trường tại Tp.HCM.
TS. Ngô Thị Minh, TS. Trương Thị Hiền, bà Vũ Thị Thanh Loan (từ trái sang) tại lễ khai mạc
Thay mặt Ban tổ chức, TS. Trần Văn Đạt – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) đã phát biểu khai mạc cuộc thi: “Cuộc thi Tiếng hát sinh viên toàn quốc là hoạt động văn hóa – văn nghệ truyền thống có quy mô lớn nhất của sinh viên trên toàn quốc. Đây là một trong nhiều hoạt động giáo dục góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Cuộc thi được khẳng định là sân chơi nghệ thuật, tạo cơ hội để sinh viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần định hướng thị hiếu âm nhạc, phát hiện tài năng nghệ thuật, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho sinh viên đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, rèn luyện đạo đức, tư tưởng, ý thức tập thể, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.”.
TS. Trần Văn Đạt phát biểu khai mạc cuộc thi
Phát biểu chào mừng tại buổi lễ, TS. Trương Thị Hiền – Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng HCMUTE nhấn mạnh rằng: “Đây là một sân chơi văn hóa nghệ thuật uy tín, đỉnh cao của sinh viên các Trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trên toàn quốc, nhằm giúp sinh viên trau dồi về mặt kỹ năng, đảm bảo sự phát triển toàn diện thông qua các hoạt động Văn – Thể – Mỹ, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên khi đang ngồi ghế Nhà trường. Với triết lý giáo dục “Nhân bản – Sáng tạo – Hội nhập”, HCMUTE sẽ đem lại cho người học cơ hội học tập chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động; thường xuyên chăm lo hoạt động ngoại khóa và đời sống tinh thần của sinh viên. Việc đăng ký đăng cai vòng loại Khu vực phía Nam cuộc thi “Tiếng hát sinh viên toàn quốc lần thứ 15 năm 2023” là một trong những hoạt động chứng minh cho triết lý đó. Với cương vị một trường về khối kỹ thuật, tuy chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các sân chơi văn hoá nghệ thuật nhưng tập thể cán bộ nhân viên, sinh viên HCMUTE sẽ nỗ lực hết mình và tận tâm trong công tác tổ chức nhằm giúp các đội thi hoàn thành phần thi thật tốt ”.
TS. Trương Thị Hiền phát biểu chào mừng các đại biểu tại cuộc thi
Cuộc thi được tổ chức 02 vòng: vòng loại Khu vực và vòng Chung kết. Vòng loại khu vực phía Nam diễn ra tại TP.HCM do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) là đơn vị đăng cai, thời gian diễn ra từ ngày 24-26/11/2023. Vòng loại khu vực phía Bắc diễn ra từ ngày 01-03/12/2023 tại Trường Đại học Thủy Lợi và vòng Chung kết sẽ diễn ra tại Trường Đại học Phenikaa từ ngày 09-10/12/2023.
Cuộc thi năm nay đã thu hút sự tham gia của 40 đội thi với 120 tiết mục tham dự, trong đó vòng loại Khu vực phía Nam có 18 đội thi với 53 tiết mục. Từ các vòng loại Khu vực, Ban tổ chức sẽ tuyển chọn các tiết mục xuất sắc để tham gia vòng Chung kết.
Theo thể lệ cuộc thi, các giải Nhất, giải Nhì toàn đoàn vòng Khu vực và Chung kết sẽ nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, giải Ba và giải Khuyến khích toàn đoàn được trao Giấy chứng nhận của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, các tiết mục đạt giải Nhất, giải Nhì vòng Chung kết còn được nhận huy chương Vàng và Bạc của Bộ VHTT&DL; giải Ba, giải Khuyến khích tiết mục vòng Chung kết được nhận Giấy chứng nhận của Bộ GD&ĐT và Giấy khen của Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT&DL.
Sau lễ khai mạc, 18 đội thi đến từ các Trường Đại học khu vực phía Nam sẽ bắt đầu tranh tài. Trong đó, có 07 đơn vị sẽ bắt đầu phần thi vào đêm 24/11: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM, Đại học Kinh tế TP.HCM.
Mở màn cho đêm thi là phần thi của đơn vị đăng cai cuộc thi – HCMUTE với 03 tiết mục gồm: “Khát vọng”; mashup “Bài ca Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật”; “Sinh viên TP.HCM – Niềm tin và Khát vọng”.
Với chủ đề “Khát vọng Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM”, đội thi HCMUTE đã mang đến cuộc thi những lời ca, tiếng hát mang đậm màu sắc, tinh thần sôi nổi, nhiệt huyết của những người thanh niên thành phố mang tên Bác – những Kỹ sư, Cử nhân tâm hồn của tương lai, gửi trao những khát vọng cống hiến, khát vọng dân tộc đến với thế hệ trẻ của mọi miền Tổ quốc, từ đó kiến tạo nên một đất nước phồn vinh.
Tiết mục “Khát vọng” của đội thi HCMUTE
Tiếp nối với nguồn năng lượng trẻ, không khí tràn đầy sức sống là phần thi của Trường Đại học Văn Lang. Bài thi được lấy cảm hứng từ loại hình nghệ thuật thư pháp mang đậm tinh thần truyền thống dân tộc, sâu lắng, hào hùng với những nét chấm phá thuỷ mặc nhưng vẫn mềm mại, trữ tình.
Đội thi Trường Đại học Văn Lang đem đến âm hưởng truyền thống
Bên cạnh đó, phần thi kết thúc đêm thi đầu tiên của đội thi Đại học Kinh tế TP.HCM cũng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với chủ đề “Tiếng hát nối nguồn cội” đưa khán giả trở về với cội nguồn dân tộc bằng những điệu múa mâm – loại hình nghệ thuật dân gian miền Bắc cùng phần thi hát tạo nên tổng thể bài thi đậm nét cổ truyền, dân tộc, gây xúc động đối với Ban giám khảo và khán giả tại Hội trường.
Tiết mục của đội thi Đại học Kinh tế TP.HCM để lại nhiều ấn tượng sâu sắc
Cuộc thi “Tiếng hát sinh viên toàn quốc” được tổ chức lần đầu vào năm 1991, trải qua 14 mùa thi, cuộc thi đã chứng minh được sức hút cũng như đã nhận được sự quan tâm đông đảo sinh viên các cơ sở đào tạo trên cả nước. Đã có nhiều ca sĩ trưởng thành từ cuộc thi và trở thành những ca sĩ có tên tuổi hiện nay như: ca sĩ Tấn Minh, ca sĩ Thuỳ Dung, ca sĩ Trang Nhung (Huy chương Vàng cuộc thi lần thứ II), ca sĩ Mỹ Linh, ca sĩ Trần Thu Hà (Huy chương Vàng cuộc thi lần thứ III),...
Tin: Hoàng Khôi
Ảnh: Phòng Truyền thông