1. Em muốn tìm việc làm thêm, Trung tâm dịch vụ sinh viên có hỗ trợ được không.?
- Trả lời: Trung tâm dịch vụ sinh viên luôn tìm kiếm và giới thiệu việc làm thêm cho các bạn SV miễn phí. Các bạn có thể đăng kí thông tin tại trung tâm hoặc theo dõi thông tin việc làm thêm trên trang Web, Facebook của Trung tâm để có công việc phù hợp cho bạn nhằm có thêm kinh phí đồng thời rèn kỹ năng thực tế.
+ Web site : http://ssc.hcmute.edu.vn/
+ Facebook: https://www.facebook.com/ttdichvusinhvien
2. Em là sinh viên năm nhất vậy em có thể đi làm được không? Nếu đi làm có ảnh hưởng gì nhiều đến kết quả học tập của em không?
- Trả lời: Bạn là sinh viên năm đầu mới vào có thể chưa quen với môi trường học tập mới ở bậc Đại Học, bạn nên dành thời gian để tìm hiểu môi trường mới, tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm trong trường để rút ra kinh nghiện từ các anh chị những năm trước. Bạn đi làm để học hỏi thêm kinh nghiệm hoặc để trang trải việc học khi thật sự cần, bạn nên sắp xếp thời gian biểu hợp lý. Tốt nhất nên bắt đầu đi làm vào học kỳ II sau khi đã có thời gian biểu cụ thể. Bạn nhớ ưu tiên việc học là trên hết nhé.
3. Em là sinh viên năm nhất em nuốn đi làm thêm nhưng không biết đi làm vào thời gian nào là phù hợp?
- Trả lời: Thông thường đối với sinh viên năm nhất, học kỳ I các bạn sẽ học theo chương trình của nhà trường giao cho. Số tín chỉ trung bình thường từ 20-25 tín chỉ tùy theo nghành học do đó thời gian phân bố lịch học cố định và không tập trung. Nếu bạn có thời gian rảnh ngoài TKB có thể liên hệ TTDVSV để kiếm việc làm. Ngoài ra bạn có thể làm trong các dịp nghỉ lễ, nghỉ Tết, hè là thích hợp nhất.
4. Cách sắp xếp thời gian học và đi làm để không ảnh hưởng việc học?
- Trả lời: Lý tưởng là: Bạn có thể sắp xếp tất cả lịch học vào buổi sáng để buổi chiều có thể làm thêm và tối có thời gian học bài. Thực tế thì rất khó. Bạn nên tìm công việc phù hợp với thời gian của mình. Không nên làm quá 8 – 10 tiếng/tuần. Có thể kết hợp với một bạn khác để cùng chia sẻ công việc nếu doanh nghiệp yêu cầu làm quá thời gian trên. Việc đi làm cũng có thêm kinh phí và kinh nghiệm thực tế nhưng nếu dành nhiều thời gian cho việc đi làm thì không thể đảm bảo việc học tốt.
5. Em là sinh viên bạn muốn đi làm thêm vậy công việc nào là phù hợp với em?
- Trả lời: Đa số các sinh viên đề muốn đi làm nhưng không định hướng được mình nên làm gì. Sau đây là một số công việc giúp bạn định hướng khi đi làm thêm:
+ Làm gia sư.
+ Phát tờ rơi.
+ Phục vụ.
+ Nhân viên bán hàng.
+ Nhân viên thanh toán tiền.
+ Nhân viên tạp vụ.
+ Quảng cáo sản phẩm.
+ Hiện nay trong trường có một số công việc phù hợp với các bạn, các bạn nên tìm hiểu tham gia: tư vấn, trợ lý giảng dạy, vệ sinh môi trường, lễ tân, nhập liệu,…
6. Em xem thông tin tuyển dụng, người ta thường ghi ngành điện - điện tử. Như vậy ý nói đến ngành điện công nghiệp hay điện tử công nghiệp?.
- Trả lời:
+ Từ khóa 2010 trở về trước, Khoa Điện - Điện tử đào tạo 2 ngành: Kỹ thuật Điện - Điện tử và Điện công nghiệp (và một số ngành khác). Từ khóa 2011 trở về sau, Bộ GD&ĐT yêu cầu các ngành phải quy về danh mục ngành cấp IV của Bộ, nên ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử được đặt tên là Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông; ngành Điện công nghiệp được đặt tên là Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử (và em đang học ngành này).
+ Để xác định rõ tên ngành tuyển dụng nói về ngành nào, em nên tìm hiểu thêm thông tin về công ty. Ví dụ: công ty chuyên sản xuất các linh kiện điện tử hay truyền tải điện. Em hãy vào trang web Khoa Điện - Điện tử để nhờ các Thầy Cô là tư vấn viên của Khoa tư vấn thêm cho em nhé.
7. Thầy/cô cho em hỏi trường mình có những hoạt động nào hỗ trợ sinh viên tìm việc làm ạ?
- Trả lời:
+ Nhà trường chính thức thành lập phòng Quan hệ Công chúng và doanh nghiệp từ tháng 9/2014 có nhiệm vụ tạo cơ hội để sinh viên tiếp xúc với doanh nghiệp, tìm được cơ hội nghề nghiệp phù hợp.
+ Hiện nay, phòng đang chủ trì tổ chức các hoạt động như sau:
+ Tổ chức Ngày hội việc làm hàng năm
+ Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các chương trình Giao lưu, giới thiệu doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tuyển dụng trực tiếp sinh viên ngay tại trường: nhận hồ sơ, làm bài kiểm tra, phỏng vấn… ngay tại trường.
+ Cập nhật thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trang web của Phòng QHCC&DN http://pr.hcmute.edu.vn/
+ Tổ chức tham quan, thực tập tại doanh nghiệp , tạo điều kiện để doanh nghiệp tuyển dụng những sinh viên có quan tâm tới doanh nghiệp và sinh viên có điều kiện trực tiếp tìm hiều môi trường làm việc của doanh nghiệp, không bỡ ngỡ sau khi ra trường
+ Giới thiệu việc làm cho các bạn sinh viên có kết quả học tập loại khá trở lên và các bạn có nhu cầu.
8. Em thấy nhiều công ty đăng thông báo tuyển dụng không nêu rõ cần những loại giấy tờ gì? Vậy thầy/cô có thể tư vấn cho em một bộ hồ sơ xin việc cần những gì không ạ?
- Trả lời:
+ Hồ sơ xin việc thực chất là bộ giấy tờ cần thiết nhất để giới thiệu bạn đến nhà tuyển dụng và chứng minh bạn phù hợp với vị trí ứng tuyển. Câu hỏi này khi bạn gõ từ khóa tìm kiếm trên các trang công cụ như Google sẽ cho rất nhiều kết quả để bạn tham khảo.
+ Nhìn chung, một bộ hồ sơ cơ bản của một sinh viên mới ra trường, bạn nên chuẩn bị như sau:
1. Đơn xin việc bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh (hoặc cả hai).
2. Sơ yếu lý lịch có dán ảnh theo qui định của nhà nước và được xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư ngụ (tạm trú hoặc thường trú) ,
3. CV bằng tiếng Việt hay tiếng Anh tùy yêu cầu riêng của nhà tuyển dụng.
4. Giấy chứng nhận sức khỏe (của Bệnh viện hoặc Trung tâm y tế tương đương cấp quận/huyện trở lên).
5. Bằng cấp, đôi khi một số công ty yêu cầu bảng điểm (nếu bản sao cần có công chứng và phù hợp với vị trí tuyển dụng )
6. Các chứng chỉ chuyên môn hoặc kỹ năng liên quan đến công việc ứng tuyển (nếu có)
7. Bản sao các giấy tờ khác như: Giấy CMND, hộ khẩu, …
+ Khi đã có kế hoạch tìm việc, bạn nên chuẩn bị sẵn một số bộ hồ sơ đầy đủ bằng giấy và file để nhanh chóng nắm bắt được cơ hội nghề nghiệp tốt.
+ Lưu ý:
+ Các loại giấy tở trên sau khi đã hoàn tất bạn nên scan và lưu, gửi file cho các doanh nghiệp có tuyển dụng và phù hợp với ngành nghề, nguyện vọng của bạn.
+ Địa chỉ hộp thư của bạn (e-mail) nên sử dụng tên của bạn, nhà tuyển dụng dễ nhớ và dễ phân biệt. Ví dụ tên bạn là Nguyễn Văn Nam thì địa chỉ hộp thư nên là nam_nguyenvan@.... hoặc nguyenvan_nam@... hoặc nguyenvan_nam1989@...
9. Các doanh nghiệp thường hỏi ứng viên vào cuối buổi phỏng vấn câu “Em có câu hỏi gì cho công ty không”, thực sự em không biết nên hỏi câu gì, cô có thể cho em 1 lời khuyên không?
- Trả lời:
+ Có nhiều câu hỏi em có thể hỏi trong tình huống này, nhưng dù là em hỏi câu hỏi nào thì nó cũng phải xuất phát từ thực tâm và thực tế em muốn hỏi, công ty sẽ nhận thấy sự chân thành và sự quan tâm trong câu hỏi của em. Những câu hỏi em không nên hỏi là: các vấn đề khủng hoảng của công ty mà em đọc được trên báo chí, các vấn đề cá nhân của lãnh đạo mà bằng nhiều cách em có được thông tin.
+ Các câu nên hỏi là những câu nhằm tìm hiều rõ hơn về mục tiêu tuyển chọn và định hướng phát triển của công ty, thể hiện sự quyết tâm thực hiện mục tiêu và phát huy những ưu điểm, thế mạnh của bạn tại vị trí mà bạn ứng tuyển.
10. Thưa cô, em đọc thông báo tuyển dụng thấy ghi: ứng viên nộp CV … cô cho em hỏi CV là gì ạ? Cách trình bày CV như thế nào? CV có cần theo tiêu chuẩn nào không? Em có nên trang trí thêm cho CV để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng không?
- Trả lời:
+ CV là từ viết tắt của Curiculum Vitae, còn gọi là résumé, là một văn bản tóm tắt về bản nhân, quá trình học tập và liệt kê các kinh nghiệm làm việc. Thông thường, các nhà tuyển dụng xem xét CV đầu tiên trong quá trình chọn lọc hồ sơ ứng tuyển.
+ Thông thường, các sự kiện được liệt kê theo thứ tự thời gian (công việc ở thời điểm gần nhất được đặt lên trước, sau đó mới đến các công việc kế tiếp trong quá khứ). Tuy nhiên, có CV sắp xếp kinh nghiệm làm việc theo các chủ đề, ví dụ như sinh viên chưa có bề dày làm việc thì nên nhấn mạnh các nhóm kỹ năng học được qua các khóa học và đợt thực tập.
+ Một số Doanh nghiệp không yêu cầu viết CV theo mẫu thì em có thể dùng các mẫu phổ biến, download từ mạng Internet. Tuy nhiên, có một số Doanh nghiệp yêu cầu ứng viên sử dụng mẫu CV riêng, download từ địa chỉ Doanh nghiệp cung cấp.
+ CV cần trình bày rõ ràng, thống nhất và tập trung, nêu bật thông điệp “tôi có những khả năng phù hợp cho công việc, tôi là ứng viên phù hợp sáng giá nhất cho vị trí Doanh nghiệp cần”.
11. Em có nên “rải” CV theo như hướng dẫn từ các anh chị đi trước?
+ Hoàn toàn không. Mỗi vị trí, mỗi công việc cần những ứng viên có khả năng, đặc điểm khác nhau. Em nên đầu tư thời gian cho việc tìm hiểu kỹ vị trí công ty tuyển dụng mà em quan tâm nhất, phù hợp năng lực, sở trường, đam mê của em để nêu bật lên rằng em là người có những phẩm chất, khả năng công ty đang cần.
+ Hãy để doanh nghiệp nhận thấy mục tiêu nghề nghiệp của em phù hợp với mục tiêu tuyển chọn và phát triển của công ty
12. Làm sao em tiếp cận được với môi trường làm việc của doanh nghiệp khi còn ngồi trên ghế giảng đường, để không bỡ ngỡ khi bước vào quá trình đi làm thực thụ?
+ Hiện nay, các Doanh nghiệp hợp tác lâu dài với trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM rất quan tâm đến các bạn sinh viên. Các Doanh nghiệp thường cử các đại diện (trưởng phòng nhân sự hay tổ chức) về Trường, tập huấn, chia sẻ cho các bạn về các kỹ năng mềm (kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp hiệu quả, vv…). Để cập nhật thông tin về các khóa học, các chương trình giao lưu các bạn vui lòng ‘like’ trang facebook của Phòng Quan hệ Công chúng và Doanh nghiệp tại https://www.facebook.com/QHCCDN.DHSPKT . Ngoài ra, các bạn có thể biết các thông tin tham quan, thực tập, tuyển dụng qua trang web http://pr.hcmute.edu.vn