Xác định, nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong hai nhiệm vụ quan trọng nhất của trường đại học (ĐH). Ngày 22/4/2019 tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với trường tổ chức Hội thảo khoa học: “Xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học”.
Tham gia hội thảo, đặc biệt có sự hiện diện của PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng bộ giáo dục và đào tạo cùng với sự có mặt của GS.TS Tạ Ngọc Đôn - Vụ trưởng vụ khoa học công nghệ và Môi trường - Bộ GDĐT, TS Lê Yên Dung - Phó vụ trưởng Vụ khoa học Xã hội Nhân văn và Tự nhiên - Bộ KH&CN, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban đào tạo, Đại học quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước KHGD16-20/032, BGH trường ĐH SPKT TPHCM cùng các thầy cô các nhà khoa học đến từ các cơ sở giáo dục trong khu vực phía Nam.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo cho biết, thông qua các ý kiến tham luận trong hội thảo, Bộ giáo dục và đào tạo muốn lắng nghe ý kiến Cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) về những cơ chế, chính sách NCKH để đưa ra những hành lang pháp lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Trước khi diễn ra hội thảo, Bộ GD&ĐT đã tổ chức 4 đoàn đi khảo sát thực tế tại 20 CSGDĐH lớn, trong đó có 2 ĐH Quốc gia, 3 ĐH vùng và cả các trường ĐH ngoài công lập. Hơn 300 ý kiến của các nhà khoa học là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các trưởng NNC và các nhà quản lý hoạt động KH&CN đều nhất trí cao về chủ trương xây dựng các cơ chế, chính sách trên trong hệ thống các CSGDĐH Việt Nam. Đồng thời khẳng định, đây chính là động lực trực tiếp để đẩy mạnh hoạt động KH&CN trong các CSGDĐH ở Việt Nam hiện nay.
Tiếp đến, sáng ngày 23.4.2019, Bộ tiếp tục tổ chức Hội thảo - Tập huấn Triển khai kế hoạch Khoa học & Công nghệ trong các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, NCKH trong trường ĐH đang trở nên có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng các ĐH nghiên cứu, ĐH đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời đóng góp trực tiếp vào việc gia tăng chuyển giao tri thức vào thực tiễn nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển.