Tác giả :
     Nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông về chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) đổi mới trong nội bộ Nhà trường theo Công văn số 596/NGCBQLCSGD-NG ngày 03/05/2017 của Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lí Giáo dục, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về vai trò của Nhà trường trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo tinh thần của nghị quyết 29 đồng thời phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên công nghệ, hướng nghiệp phổ thông trong cả nước, sáng ngày 9/6/2017, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã tổ chức buổi báo cáo về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới) trình bày.


PGS.TS Đỗ Văn Dũng phát biểu đề dẫn

     Đến dự và chỉ đạo buổi báo cáo có sự hiện diện của NGƯT.PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng nhà trường,  TS. Bùi Văn Hồng – Phó viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật cùng đông đảo cán bộ lãnh đạo, giảng viên, cán bộ viên chức nhà trường và giáo viên các trường THCS, THPT có quan tâm trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc buổi báo cáo PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết Nội dung báo cáo giúp cán bộ viên chức trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM hiểu rõ hơn những điểm mới về phương pháp xây dựng chương trình và nội dung chương trình dự thảo, qua đó, quán triệt tinh thần đổi mới GDPT trong toàn thể CBVC và xác định vai trò của Nhà trường trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQL giáo dục để triển khai chương trình GDPT mới.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới trình bày dự thảo

     Tại buổi báo cáo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã trình bày những điểm mới cũng như giải đáp những thắc mắc về chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó nhấn mạnh các nội dung chủ yếu sau:
     Thứ nhất, về phương pháp xây dựng chương trình, ban phát triển chương trình áp dụng các phương pháp “Sơ đồ ngược” (Back – Mapping) và Đánh giá tác động của chính sách (Regulatory Impact Assessment, viết tắt là RIA). Về phương pháp Sơ đồ ngược, với định hướng tiếp cận năng lực thì việc xây dựng chương trình phải xuất phát từ phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, trên cơ sở đó xác định nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu phát triển nhân lực, mục tiêu GDPT, rồi từ mục tiêu đó xác định những phẩm chất và năng lực cần hình thành, phát triển ở học sinh, tức là chuẩn đầu ra của chương trình. Từ chuẩn đầu ra mới xác định được những nội dung cần dạy, từ đó phân bổ thời lượng dạy học, xác định phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục. Về phương pháp Đánh giá tác động của chính sách (RIA), ban Phát triển Chương trình GDPT nhận thức: Chương trình GDPT là một văn bản có giá trị pháp lý, điều chỉnh hành vi xã hội để giải quyết một vấn đề rộng lớn liên quan đến số đông người dân trong một khoảng thời gian dài, cho nên nó là một chính sách. Vì vậy, chương trình GDPT mới phải được xây dựng theo đúng quy trình ban hành chính sách. Quy trình này có 5 bước: đánh giá việc thực thi chính sách hiện hành; đề xuất chính sách mới; đánh giá tác động của chính sách mới; điều chỉnh và ban hành chính sách mới; chỉ đạo thực thi chính sách. Việc đánh giá tác động diễn ra suốt trong quá trình xây dựng chương trình, như vậy sẽ bảo đảm tính khả thi của chương trình và rút ngắn được thời gian dạy thực nghiệm.
     Thứ hai, chương trình giáo dục phổ thông mới đã phác họa cơ bản “chân dung” của người học sinh mới. Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT xác định mục tiêu đổi mới là: “Đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chứcgiáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh”.
     Để xác định các phẩm chất cần hình thành, phát triển ở học sinh, Ban Phát triển Chương trình GDPT đã nghiên cứu các văn kiện của Đảng và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam (Nghị quyết 5 của BCH Trung ương khóa VIII năm 1998, Nghị quyết 33 của BCH Trung ương khóa XI năm 2014, Năm điều Bác Hồ dạy học sinh). Dựa trên các tài liệu này và sự cân nhắc để phản ánh được các giá trị phổ quát của thời đại và phù hợp với hệ thống phẩm chất, năng lực nói chung trong Chương trình GDPT mới, dự thảo chương trình nêu lên 6 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh, nhưng sau quá trình tiếp thu ý kiến nhân dân và các chuyên gia, đúc kết lại còn 5 phẩm chất là: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, trung thực, trách nhiệm.  
     Về năng lực, Ban phát triển chương trình đã dựa vào các tài liệu của OECD (năm 2005), EU (năm 2006) và WEF (2015).Qua quá trình phân tích, hệ thống hóa và chắt lọc, dự thảo chương trình nêu lên 10 năng lực cốt lõi (những năng lực mà ai cũng cần có để sống và làm việc trong xã hội hiện đại), bao gồm: a) Những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; b) Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.
     Thứ ba, dự thảo lần này đã phân biệt giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Dự thảo chủ trương thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.
     Ở cấp THPT, dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp với các môn học phân hóa (môn Khoa học tự nhiên ở THCS tách thành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý ở THCS tách thành các môn Lịch sử, Địa lý,…). Nội dung các môn học này giúp học sinh có cái nhìn tổng quát về lĩnh vực khoa học tương ứng với mỗi môn học, vai trò và ứng dụng của mỗi ngành khoa học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan, nhằm củng cố vững chắc học vấn phổ thông cốt lõi, hoàn thiện thêm một bước các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo điều kiện để học sinh nhận thức rõ hơn năng lực, sở trường của bản thân, từ đó giúp học sinh lựa chọn các môn học ở lớp 11 và lớp 12 một cách phù hợp. Ở các lớp 11, 12, ngoài một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo), học sinh chỉ cần chọn 3/12 môn còn lại phù hợp với định hướng nghề nghiệp.
     Thứ tư, dự thảo đã nêu ra những điểm mới trong phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh với ba hình thức đánh giá
     Đánh giá thường xuyên, do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.
     Đánh giá định kỳ, do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp THPT.
     Đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương, do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.


Giáo viên THPT đặt câu hỏi cho GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

     Đặc biệt trong dự thảo chương trình có điểm mới là việc xét tốt nghiệp sẽ giao cho cấp trường. Để được cấp bằng tốt nghiệp THPT, học sinh không phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay mà việc xét tốt nghiệp sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá định kỳ do chính trường THPT tổ chức thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT được cấp bằng tốt nghiệp THPT.

CBVC trường đặt câu hỏi cho GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

     Sau phần báo cáo, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã dành phần lớn thời gian để giải đáp thắc mắc cũng như tiếp nhận những kiến nghị của giảng viên, giáo viên tham gia buổi báo cáo. Phần lớn các ý kiến xoay quanh các vấn đề về sự chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho chương trình mới, những thuận lợi và khó khăn của người giáo viên khi tiếp cận với chương trình mới. Các ý kiến đã được giáo sư giải đáp chi tiết, rõ ràng. Trong đó, về vấn đề cơ sở vật chất, giáo sư cho biết các trường cần sử dụng hiệu quả danh mục tài liệu tối thiểu, tăng cường sử dụng các thiết bị ảo, liên kết với các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề. Về vấn đề đào tạo giáo viên cho chương trình mới, giáo sư khẳng định rằng, trong thời gian tới sẽ tăng cường bồi dưỡng lực lượng giáo viên hiện tại đồng thời thay đổi chương trình và hình thức đào tạo tại các trường sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tin: Đại Lợi
Ảnh: Nguyễn Hoàng






Góp ý
Họ và tên: *  
Email: *  
Tiêu đề: *  
Mã xác nhận:
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper  
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
 *
 
LOGO HCMUTE VÀ BỘ NHẬN DIỆN THƯƠNG HIỆU

 

Truy cập tháng:132,421

Tổng truy cập:483,772

     Copyright © 2013, Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật - Tp.HCM

     Địa chỉ: 1 Võ Văn Ngân, Phường Linh Chiểu, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
     Điện thoại: (+84 - 028) 38968641 - (+84 -028) 38961333 - (+84 -028) 37221223
     Hotline Tư vấn tuyển sinh: (+84 - 028) 37222764          Fax: (+84 - 028) 38964922         E-mail: ptchc@hcmute.edu.vn