Vào lúc 10h30’ tại phòng họp II, tầng 6 tòa nhà trung tâm trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra thành công buổi gặp mặt thân mật của các cựu học viên ITEC.
Toàn cảnh buổi gặp mặt thân mật
ITEC DAY là dịp để các cựu sinh viên ITEC gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm sau các khóa học của chương trình. Được biết, đây là hoạt động được Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thường niên và năm 2018 này lần đầu tiên chọn địa điểm tổ chức là trường Đại học và Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học đầu tiên được Lãnh sự quán ưu tiên lựa chọn.
Tham dự buổi gặp mặt, có sự hiện diện của ông K. Srikar Reddy – Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Jeevan C. Kandpal; ông Ram Singh Chauhan; bà Trần Hoàng Khánh Vân – phó chủ tịch HUFO; bà Hồ Thị Trinh Anh, ông Nguyễn Trung Thu – phó giám đốc VIFA; ông Võ Hữu Thoại – phó tổng giám đốc SOFRI; bà Trần Thị Hoàn Anh – Trưởng ban đối ngoại, Thư viện khoa học tổng hợp. Về phía nhà trường, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS Ngô Văn Thuyên – Chủ tịch Hội đồng trường cùng đông đảo các cán bộ, giảng viên trong trường cũng có mặt.
ITEC (the Indian Technical and Economic Cooperation) là chương trình học bổng toàn phần ở đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, ứng viên tiếp nhận theo chương trình này sẽ được Chính phủ Ấn Độ cấp học bổng bao gồm: vé máy bay khứ hồi, chi phí đào tạo, chỗ ở và sinh hoạt phí hằng tháng cho học viên.
Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ - ông TS.K.Srikar Reddy phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi gặp gỡ thân mật này, Tổng Lãnh sự quán - ông TS.K.Srikar Reddy bày tỏ niềm vui và vinh dự khi đây là lần thứ ba ông đến trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thành phố HCM sau lễ khánh thành chi hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ (VIFA) và Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về Công nghệ xanh và Phát triển bền vững trong năm vừa qua. Từ đó, ông khẳng định mối quan hệ gắn bó thân tình giữa Lãnh sự quán và Nhà trường “Kể từ năm 2011 đến nay, đã có 47 thành viên của trường đã nhận được học bổng theo chương trình ITEC” Dr.K.Srikar Reddy vui vẻ thông báo đến mọi người. Ngoài ra, Ngài còn đề cập dự án nghiên cứu thành công của các học viên ITEC chẳng hạn như Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, … và cho biết thêm về lịch sử của chương trình học bổng ITEC này, Tổng Lãnh sự quán chia sẻ thêm: “Chương trình ITEC được đưa vào hoạt động vào ngày 15 tháng 9 năm 1964, là chương trình hàng đầu trong các nỗ lực đào tạo nhân lực của Chính phủ Ấn Độ. Ấn Độ vẫn là quốc gia ủng hộ nhiệt thành và tích cực thực hiện Hợp tác Nam-Nam. Ấn Độ tin chắc rằng các nước đang phát triển nên chia sẻ kiến thức, kỹ năng, chuyên môn và nguồn lực để đáp ứng các mục tiêu phát triển của họ. Chương trình ITEC là một biểu tượng hữu hình về vai trò và đóng góp của Ấn Độ cho Hợp tác Nam-Nam. Khoảng 12,000 học bổng hiện đang được cấp cho 161 quốc gia đối tác ITEC / SCAAP để tham dự các khóa đào tạo khác nhau ở Ấn Độ. Các học viện hàng đầu tại Ấn Độ cung cấp hơn 300 khóa học ngắn hạn, trung hạn và dài hạn mỗi năm.” Ngài Tổng Lãnh sự quán còn khẳng định thêm, sự thành công của các học viên ITEC không những là cầu nối văn hóa mạnh mẽ giữa Ấn Độ và Việt Nam mà còn tạo cho học có lối đi riêng trên các lĩnh vực từ Chính trị, ngoại giao, học thuật và quản trị kinh doanh.
Kết thúc bài phát biểu, Ông K.Srikar Reddy dành lời cảm ơn chân thành đến tập thể Nhà trường vì sự chuẩn bị chu đáo cho cuộc gặp gỡ này và hi vọng rằng mối quan hệ giữa Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh và trường ĐH SPKT ngày càng phát triển thân thiết trong tương lai thông qua việc khánh thành “Góc Ấn Độ” tại thư viện chất lượng cao của trường.
PGS. TS Đỗ Văn Dũng phát biểu
Đáp lại những chia sẻ thân tình của bên Lãnh sự quán, PGS. TS Đỗ Văn Dũng bày tỏ niềm vinh dự khi trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật tp HCM được đặc biệt lựa chọn làm nơi tổ chức ngày ITEC DAY 2018. Tự hào khi là một trong những trường đại học năng động nhất khi có đông đảo các cán bộ, giảng viên tham gia chương trình học bổng ITEC trên phong phú các ngành, lĩnh lực trong đó mới nhất là chương trình đào tạo ngành Năng lượng tái tạo – một ngành mới của trường.
Bên cạnh đó, bà Hồ Thị Trinh Anh, Phó Giám đốc VIFA chia sẻ thêm chương trình học bổng ITEC giúp các ứng viên tham gia trau dồi được các kĩ năng tác nghiệp bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau, khóa học được thiết kế ngắn hạn đủ để ứng viên vừa trang bị kiến thức bổ ích vừa được tham gia vui chơi, khám phá miền đất của cái nôi tôn giáo này - Ấn Độ. Ngoài những mục đích đem lại cho học viên, ITEC còn là cầu nối thúc đẩy giao lưu hai nước Việt Nam - Ấn Độ. Bà hi vọng, trong tương lai, VIFA sẽ cùng đồng hành với Tổng Lãnh sự quán, sẽ có nhiều hơn những suất học bổng được trao đi hơn nữa, từ đó mối quan hệ hai nước được vun đắp bền vững hơn từ thời xa xưa được chủ tịch Hồ Chí Minh,Tổng thống Rajendra và Thủ tướng Jawaharlal Nehru thành lập từ những năm 1950.
Một học viên chia sẻ tại buổi gặp gỡ
Đặc biệt hơn,ITEC DAY còn có sự chia sẻ của ba cựu học viên – những người đã trực tiếp trải nghiệm chương trình đào tạo của học bổng ITEC. Thầy Nguyễn Thới – giảng viên trường ĐH SPKT, phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế của trường dành lời cảm ơn sâu sắc gửi đến Chính phủ Ấn Độ đã hỗ trợ học bổng này. Trải qua khóa học kéo dài 4 tuần tại Ấn Độ, quay trở về Việt Nam, nhờ những kiến thức, kỹ năng được đào tạo thầy truyền lại cho sinh viên những kiến thức, cảm hứng ấy và rất được sự thu hút của các bạn sinh viên. Khác với thầy Thới, kỉ niệm trong cô học viên Trần Thanh Trúc là những kí ức khó quên về trường và lớp học nơi đây không khí trong lành, “ở đâu cũng thấy màu xanh”- Trúc vui vẻ nói, môi trường học tập an toàn, bạn bè thân thiện đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Chia sẻ thêm, Trúc còn kể thêm về hành trình khám phá văn hóa châu Á này qua các địa điểm mà bạn đã đặt chân như: Mount ABU, cung điện Umaid Bhawan,…Là người cuối cùng kể về những trải nghiệm của mình, bà Lê Thị Hiếu Thảo – phó giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển kỹ năng mềm, Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu đề cập đến những khó khăn khi gặp phải khi tham gia chương trình này đó là: sự khác biệt về thức ăn, múi giờ làm việc và văn hóa. Tuy nhiên, thông qua khóa học bà được rèn luyện hơn kĩ năng lãnh đạo, làm quen được nhiều người bạn quốc tế hơn và càng thêm yêu mến nền văn hóa này. Bà nhắc đến Tuk tuk – một loại phương tiện giao thông phổ biến ở Ấn Độ một cách thú vị “Nó rất nhanh, lao đi vun vút” và ngỏ ý quay lại Ấn Độ thêm lần nữa để được trải nghiệm loại xe đặc biệt này.
H5: Một vài hình ảnh tại chương trình
“Thông qua chương trình này, nhiều giảng viên không chỉ cải thiện được kĩ năng chuyên môn mà còn được xây dựng môi trường kết nối với nhiều bạn bè trên toàn thế giới cùng tham gia chương trình ITEC” thầy Dũng nhấn mạnh. Và để cho sinh viên có cơ hội tiếp cận gần hơn với văn hóa Ấn Độ cũng như là chương trình ITEC, lan tỏa được tinh thần của Incredible India, trường đã dành một khu vực ở thư viện chất lượng cao, mang tên “Góc Ấn Độ”. Hi vọng rằng đây sẽ là nơi giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm và trải nghiệm của các ứng viên ITEC với mọi người.
Tin: Nguyễn Hoài
Ảnh: Công Thiện