Kính thưa: - Các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo, cán bộ viên chức.
- Các em học sinh, sinh viên thân mến!
Cách đây 40 năm, cả dân tộc ta vỡ oà trong niềm vui thống nhất, Bắc- Nam sum họp một nhà! Chiến thắng 30/4/1975 là thắng lợi mang tầm vóc thời đại, chứng minh một chân lý: Không thế lực nào có thể đè bẹp được một dân tộc quyết tâm giành lấy độc lập tự do và sự toàn vẹn của non sông đất nước.
Hôm nay, trong niềm vui, niềm tự hào và xúc động sâu sắc, Đảng ủy, BGH, Công đoàn trường, Hội CCB trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975–30/4/2015), và 129 năm ngày quốc tế lao động (01/5/1886–01/5/2015). Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, tôi xin trân trọng chào mừng và thân ái gửi tới quý vị đại biểu cùng toàn thể thầy cô giáo, cán bộ viên chức, học sinh, sinh viên lời thăm hỏi sức khỏe và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Kính thưa quý vị đại biểu, Thầy Cô giáo, CBVC cùng các em HSSV thân mến!
Hòa chung với không khí tưng bừng của cả nước chào mừng 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những chiến công hào hùng, vẻ vang của dân tộc vào những ngày Xuân năm 1975 lịch sử.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, miền Bắc nước ta được giải phóng, chuyển sang giai đoạn Cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, ở miền Nam, Mỹ nhảy vào thay chân Pháp, thiết lập chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm nhằm thực hiện âm mưu chia cắt Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Dương và Đông Nam Á.
Trước yêu cầu lịch sử của cách mạng cả nước, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện đường lối kết hợp giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam tới thắng lợi vẻ vang.
Từ năm 1954 đến năm 1975, nhân dân cả nước phải tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chống lại một cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại. Trong suốt 21 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ và chính quyền tay sai đã thi hành nhiều chính sách cực kì tàn bạo như tăng cường khủng bố, đàn áp, dồn dân lập ấp chiến lược, mở hàng loạt cuộc hành quân càn quét tiêu diệt lực lượng cách mạng, lê máy chém khắp miền Nam giết hại những người dân vô tội, rải chất độc hóa học, ngăn cản sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, ném bom phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, phong tỏa biên giới,… Trước tội ác của đế quốc xâm lược và tay sai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần đấu tranh anh dũng, hi sinh quên mình vì độc lập tự do, quân và dân ta trên cả hai miền đất nước đã làm nên những chiến thắng vang dội như: Đồng khởi 1959 – 1960, Ấp Bắc (Mỹ Tho) 1963, Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, Tiến công chiến lược 1972, trận “Điện Biên Phủ trên không”,… Những thắng lợi to lớn của ta đã lần lượt làm phá sản các chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải kí Hiệp định Paris ngày 27/01/1973, rút hết quân về nước, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Từ sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được kí kết, thế và lực của cách mạng nước ta có những bước biến rất nhanh chóng. Trong hai năm 1973, 1974 nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giáng cho địch những đòn nặng nề và bất ngờ, giải phóng nhiều quận lị, thu hẹp vùng kiểm soát của địch. Lực lượng vũ trang nhân dân đã phát triển về mọi mặt, bộ đội chủ lực của ta đã có những quân đoàn thiện chiến được chuẩn bị khá chu đáo và dồi dào.
Nhận định tình hình giữa ta và địch, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 21, đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 – 1976. Giữa lúc Hội nghị sắp kết thúc, một tin thắng lớn được báo về là toàn tỉnh Phước Long được giải phóng (6/01/1975). Thời cơ chín muồi đã đến, quân và dân ta bước vào trận quyết chiến thực hiện sứ mệnh “Đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 diễn ra với ba chiến dịch lớn: chiến dịch Tây Nguyên (10/3 - 24/3/1975), chiến dịch Huế–Đà Nẵng (21/3 - 29/3/1975) và chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4 - 30/4/1975).
Ngày 10/3/1975 cuộc tổng tiến công và nổi dậy được mở đầu bằng trận đánh hết sức táo bạo, bất ngờ của quân ta vào thị xã Buôn Ma Thuột – một vị trí then chốt hiểm yếu trong hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Nguyên. Trận đánh làm rung chuyển toàn bộ Tây Nguyên, khiến quân đội của chính quyền Sài Gòn phải rút khỏi Kon Tum và Plâycu. Đến ngày 24/3, ta giải phóng Tây Nguyên và tiêu diệt toàn bộ quân địch trên đường rút chạy.
Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sang giai đoạn mới, tạo ra thế mạnh to lớn tiến công địch trên toàn chiến trường miền Nam.
Ngày 25/3/1975, một ngày sau khi quân ta giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa (trước tháng 5/1975). Trước mắt, tiến hành trận quyết chiến chiến lược giải phóng Huế – Đà Nẵng, các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, không cho chúng co về phòng thủ quanh Sài Gòn, tạo điều kiện cho ta mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
10 giờ 30 ngày 25/3/1975 ta tấn công giải phóng Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên, Tam Kì, Quảng Ngãi, Chu Lai; bao vây, cô lập và giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29/3.
Với những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kì to lớn của chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế – Đà Nẵng, cục diện chiến tranh đã có bước phát triển nhảy vọt, đẩy quân địch vào tình trạng tuyệt vọng, không thể thoát khỏi sự sụp đổ hoàn toàn. Thời cơ lớn để tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân đội và chính quyền Sài Gòn đã tới, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh để giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam với khí thế “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”..
5 giờ chiều ngày 26/4, quân ta nổ súng mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm quân đoàn của ta từ năm hướng vượt qua tuyến phòng thủ từ xa của địch tiến vào bao vây Sài Gòn. Ngày 28/4, các trận địa pháo của ta đồng loạt nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất, phi công của ta dùng năm máy bay chiến đấu phản lực A37 thu được của địch mở đợt tập kích vào khu vực chứa máy bay của chúng.
Rạng sáng ngày 29/4, tất cả các cánh quân của ta được lệnh đồng loạt tổng công kích vào trung tâm thành phố, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch: Bộ Tổng tham mưu, Phủ Tổng thống, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, tòa Đại sứ Mỹ,...
10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của ta tiến thẳng vào Phủ Tổng thống, bắt sống toàn bộ chính phủ Việt Nam Cộng hoà, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Kính thưa quý vị đại biểu, Thầy Cô giáo, CBVC cùng các em HSSV thân mến!
Chiến thắng 30/4/1975 là trang sử hào hùng, một mốc sơn bằng vàng trong lịch sử dựng nước & giữ nước của dân tộc ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã nhận định "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Để có được chiến thắng vĩ đại đó, biết bao lớp người đi trước đã phải trải qua những năm tháng ác liệt, gian khổ, đã phải hy sinh xương máu, công sức và trí tuệ của mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Lớp lớp thế hệ thanh niên "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai".
Trong lễ kỷ niệm trọng đại này, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Người đã lèo lái con thuyền Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cập bến vinh quang. Chúng ta cũng tưởng nhớ, biết ơn các anh hùng liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, các cựu chiến binh cùng nhân dân cả nước đã góp công, góp của, hy sinh xương máu cho cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước giành độc lập tự do, đem lại cuộc sống thanh bình cho thế hệ hôm nay.
Bác Hồ kính yêu từng nói "các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Các em học sinh, sinh viên yêu quý, các em là chủ nhân hiện tại & tương lai của đất nước, thế hệ cha anh trao non sông đất nước và gửi trọn niềm tin vào thế hệ trẻ, các em hãy cố gắng rèn đức, luyện tài. Thời đại của các em là thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa, thời đại của những tầm cao tri thức. Cha ông ta đã khẳng định với thế giới bằng tinh thần thép khi đánh giặc thì ngày nay chúng ta phải vươn ra thế giới bằng trí thông minh, bằng đỉnh cao trí tuệ & lao động sáng tạo. Có như thế mới xứng đáng là con Lạc, cháu Hồng!
Kính thưa quý vị đại biểu, Thầy Cô giáo, CBVC cùng các em HSSV thân mến!
Cùng với cả nước trong bước chuyển mình sau 40 năm giải phóng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh đã thu được nhiều thành quả rất đáng tự hào. Từ chỗ chỉ có vài trăm sinh viên với mấy chục giảng viên & cán bộ viên chức (năm 1975), sau chặng đường 40 năm xây dựng và phấn đấu, đến nay quy mô đào tạo hàng năm của nhà trường đã đạt khoảng 27.000 học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh; trên 800 giảng viên, CBVC, trong đó tỷ lệ PGS, TS đạt gần 20%, cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước.
Nếu so với thời điểm nhà trường mới hình thành, mà tiền thân là Ban Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật được thành lập ngày 05.10.1962, thì trong hơn nửa thế kỷ qua, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. HCM đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đã đào tạo và cung cấp cho đất nước hàng chục nghìn nhà giáo, kỹ sư công nghệ, cử nhân, cán bộ khoa học kỹ thuật trình độ cao.
Với thành tích luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ và xây đựng đất nước, được xã hội đánh giá cao, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. HCM đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2007), Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2012), Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba; Cờ thi đua của Chính phủ; Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT; Đảng bộ Trường trong nhiều năm liên tục là Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu,...
Có được những thành tựu ấy là nhờ công lao to lớn của các thế hệ thầy cô giáo, CBVC và học sinh, sinh viên của nhà Trường. Trong số các thầy cô giáo, CBVC của Trường, có nhiều đồng chí là hội viên Hội Cựu chiến binh, từng tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc mãi là những tấm gương sáng, luôn phát huy truyền thống cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên trận tuyến mới.
Kính thưa quý vị đại biểu, Thầy Cô giáo, CBVC cùng các em HSSV thân mến!
Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh diễn ra trong những ngày tháng tư lịch sử vừa thành công tốt đẹp. Đại hội đã quyết định phương hướng, nhiệm vụ phát triển nhà trường trong 5 năm (2015 – 2020) với 8 mục tiêu chủ yếu:
- Một là: Đưa Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh nằm trong tốp 10 trường đại học hàng đầu Việt Nam theo các tiêu chí đánh giá chất lượng của Nhà nước, ngang tầm với các trường đại học có uy tín trong khu vực và quốc tế.
- Hai là: Phát triển nhà trường thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng nghề nghiệp - ứng dụng, trong đó một số lĩnh vực đào tạo theo hướng nghiên cứu phát triển.
- Ba là: Xây dựng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh thành Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật trọng điểm quốc gia, đóng vai trò nòng cốt trong đào tạo giáo viên kỹ thuật phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của đất nước.
- Bốn là: Áp dụng chương trình đào tạo có tính thích ứng cao, bằng cấp của Trường được công nhận rộng rãi trong khu vực và quốc tế. Sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, có việc làm phù hợp và phát huy năng lực một cách tối đa để cống hiến cho xã hội, hội nhập quốc tế.
- Năm là: Nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ gắn với đào tạo và chuyển giao công nghệ, khẳng định thương hiệu nhà trường trên thị trường KHCN về lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ và khoa học giáo dục nghề nghiệp.
- Sáu là: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh tạo được ảnh hưởng tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt đối với khu vực phía Nam.
- Bảy là: nhà trường hợp tác toàn diện với doanh nghiệp, mở rộng phục vụ cộng đồng.
- Tám là: Triển khai ứng dụng các kỹ thuật quản lý, quản trị đại học tiên tiến, chú trọng thực hiện đầy đủ 6 mục tiêu chiến lược của HEEAP: tăng cường năng lực lãnh đạo, phát triển giảng viên, nâng cấp trang thiết bị và chương trình đào tạo, phát triển loại hình đào tạo từ xa/online, chương trình tăng tính đa dạng, tăng cường khả năng tiếng Anh và hội nhập quốc tế.
Những mục tiêu và giải pháp chủ yếu mà Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh vừa thông qua cùng các chương trình hành động trong nhiệm kỳ Hiệu trưởng là kết tinh trí tuệ của tập thể cán bộ, đảng viên; chính là kim chỉ nam trong hoạt động của nhà trường trong thời gian tới.
Kính thưa quý vị đại biểu, Thầy Cô giáo, CBVC cùng các em HSSV thân mến!
Những gì chúng ta đã đạt được rất đáng ghi nhận & trân trọng. Tuy nhiên, để phát triển nền giáo dục đại học Việt Nam nói chung và của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh nói riêng ngang tầm khu vực và thế giới, chúng ta còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Kỷ niệm Ngày Chiến Thắng 30/4, chúng ta không bao giờ quên lời Bác Hồ đã căn dặn: “Thắng giặc Mỹ, chúng ta sẽ xây dựng đất nước ta đang hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Sau hơn nửa thế kỷ đi lên cùng đất nước, Thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, càng ý thức hơn trách nhiệm lớn lao mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cho ngành giáo dục nói chung và nhà Trường nói riêng.
Để thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh sẽ chú trọng công tác quản trị đại học, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tự chủ tài chính; luôn tự đổi mới chính mình nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, đẩy mạnh sự sáng tạo của thầy & trò trong giáo dục đào, trong nghiên cứu khoa học.
Tiếp thu & phát huy tinh thần Đại thắng Mùa Xuân 1975 “Thần tốc, táo bạo, chắc thắng”, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, giảng viên, học sinh sinh viên của Trường đoàn kết, giữ vững & phát huy những thành quả đã đạt được, đẩy nhanh tốc độ xây dựng, phát triển nhà trường với những bước đi đột phá, làm việc tích cực và sáng tạo để đưa trường ta lên tầm cao mới, tương xứng với nền tảng, tầm vóc, thương hiệu mà các thế hệ đi trước đã tâm huyết, dày công tạo dựng.
Xin kính chúc quý vị đại biểu, quý thầy cô giáo, cán bộ viên chức và các em học sinh, sinh viên mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!
Tinh thần ngày chiến thắng 30/4 & ngày Quốc tế lao động 01/5 bất diệt!
Xin Trân trọng cảm ơn!
Hiệu trưởng Trường ĐH SPKT Tp. HCM
Prof. Dr. Do Van Dzung