Sáng 23-02-2016, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Lễ công bố "Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”.
Dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng ban Ban Chỉ đạo xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035, sau hơn một năm thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Ngân hàng Thế giới, sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, Báo cáo Việt Nam 2035 đã hoàn thành.
Báo cáo gồm 7 chương, nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển với 6 chuyển đổi lớn, phác thảo các chiến lược phát triển thích hợp với xuất phát điểm của một nước thu nhập trung bình thấp trong bối cảnh thế giới đầy biến động, nhằm đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao hoặc cận trên của thu nhập trung bình cao đến năm 2035.
Ba trụ cột chính của Báo cáo gồm: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; Thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội; Tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.
Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường
Hiến pháp năm 1992 và 2013 đã xác định các mục tiêu to lớn và đầy khát vọng trong tương lai của Việt Nam, đó là "dân giàu, nước mạnh”. Các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ đặt mục tiêu về tăng trưởng GDP bình quân đầu người 7%/năm (tương đương với tăng trưởng GDP 7-8%/năm đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020) phản ánh khát vọng đó. Tốc độ đó sẽ giúp Việt Nam có cơ hội trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 như Ma-lay-xi-a hiện nay và Hàn Quốc vào giữa thập niên đầu của thế kỷ 21. Song mục tiêu này là hết sức tham vọng vì nó vượt xa mức tăng trưởng trước đây của Việt Nam và chỉ có rất ít quốc gia trên thế giới đạt được.
Sức ép môi trường cũng đe dọa tăng trưởng bền vững trong dài hạn của Việt Nam. Tăng trưởng trong 25 năm qua phần nào có được với cái giá phải trả về môi trường khá lớn. Tài nguyên cạn kiệt nhanh chóng là vấn đề rất đáng quan ngại. Ô nhiễm môi trường từ nước thải công nghiệp và đô thị dẫn đến những nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em tại các địa bàn quanh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong tương lai, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trong đó dân cư và hoạt động kinh tế tập trung tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải chịu rủi ro cao nhất. Rủi ro còn tăng lên do mức tiêu thụ năng lượng gia tăng và dựa nhiều vào nhiệt điện than. Những năm gần đây, mức tăng phát thải khí nhà kính của Việt Nam vào loại cao trên thế giới.
Chương trình cải cách nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững bao gồm 4 nội dung: (1) Tạo dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước; (2) Đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo; (3) Tái cơ cấu đầu tư và đổi mới chính sách đô thị; và (4) Đảm bảo bền vững môi trường.
Thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội
Việt Nam luôn luôn chú trọng vào công bằng và hòa nhập xã hội. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt được tăng trưởng cao đi đôi với công bằng xã hội. Thành tích đó dựa trên nền tảng bắt đầu từ việc giao đất công bằng hơn vào cuối thập kỷ 1980 đến việc đảm bảo tốt hơn khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế và giáo dục, cũng như đảm bảo công bằng trong phân bổ ngân sách giữa các địa phương có trình độ phát triển khác nhau. Tiếp tục duy trì thành tích tăng trưởng và bảo đảm công bằng xã hội như vậy không phải tự nhiên mà có, nhất là trong bối cảnh có những tác động mới do quá trình đô thị hóa, toàn cầu hóa mang lại và sản xuất đòi hỏi kĩ năng ngày càng cao hơn. Hướng đến năm 2035, Việt Nam phải theo đuổi một chương trình kép bao gồm hai mục tiêu: công bằng và hòa nhập xã hội.
Các chương trình đang thực hiện nhằm đảm bảo bình đẳng về cơ hội còn phải tiếp tục. Tuy đã đạt những bước tiến lớn về nâng cao mức sống kể từ khi Đổi mới nhưng một số nhóm đối tượng lớn vẫn bị thiệt thòi và hiện đang có khoảng cách lớn về cơ hội giữa con em các hộ nghèo và con em các gia đình khá giả. Trẻ em dưới một tuổi người dân tộc thiểu số có xác suất tử vong cao gấp bốn lần trẻ em người Kinh. Trên một nửa trẻ em khuyết tật nặng chưa từng đến trường. Tình trạng thiếu hòa nhập cũng tồn tại dai dẳng trái ngược với những gì ở nhóm thu nhập cao. Trong thập kỷ vừa qua, mặc dù số triệu phú người Việt Nam đã tăng gấp ba lần nhưng tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dân tộc thiểu số vẫn hầu như không thay đổi.
Để giải quyết những bất bình đẳng và chưa công bằng đó đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực, đặc biệt thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2035 với 4 nội dung (1) Giảm bớt rào cản, tăng cơ hội cho người dân tộc thiểu số; (2) Tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia đầy đủ về mặt xã hội; (3) Gỡ bỏ sự ràng buộc giữa hệ thống đăng ký hộ khẩu với khả năng tiếp cận dịch vụ công; và (4) Giảm thiểu sự phân biệt về giới.
Tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước
Cải cách hệ thống chính trị và thể chế phải song hành với quá trình phát triển ở Việt Nam. Thực tiễn từ nhiều nước cho thấy hiệu lực của nhà nước hay chính năng lực của chính phủ trong thiết lập và thực hiện các mục tiêu có liên quan chặt chẽ đến thành quả phát triển. Hiệu lực của nhà nước dựa trên 3 trụ cột hỗ trợ: chính phủ được tổ chức tốt với chức nghiệp thực tài và có kỷ luật; vận dụng nguyên tắc thị trường trong hoạch định chính sách kinh tế; và cơ chế đảm bảo sự kiểm soát và cân bằng giữa các nhánh quyền lực trong chính phủ và sự tham gia rộng rãi của công chúng. Ba trụ cột này là cần thiết để đảm bảo hiệu lực của nhà nước. Cải cách cơ cấu nhà nước nhưng không tính đến kỷ luật thị trường, hoặc giao vai trò lớn hơn cho cơ chế thị trường song lại tách rời việc hoạch định chính sách khỏi sự tham gia của cộng đồng, đều không đưa đến kết quả tích cực.
Việt Nam cũng là một minh chứng về mối quan hệ giữa hiệu lực của nhà nước và kết quả phát triển. Nhiều thành quả ban đầu đạt được nhờ vào nhà nước có năng lực cao hơn so với một quốc gia có mức thu nhập thấp. Tuy nhiên, nhà nước kém hiệu lực lại là một nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ năng suất và môi trường kém thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Do điều kiện lịch sử của Việt Nam, những thiết chế công đã bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún và thiếu sự giám sát của người dân.
Khung khổ pháp lý của Việt Nam đã tạo không gian nhất định cho công dân tham gia vào quá trình quản trị nhà nước. "Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là những điều được khẳng định rõ trong Hiến pháp. Nhưng trên thực tế, vẫn tồn tại khoảng cách giữa những cam kết này với thực tiễn tham gia của công dân trong quản trị nhà nước. Vẫn còn hạn chế trong tiếp cận thông tin, đây là chìa khóa để người dân thể hiện tiếng nói của họ đối với việc giải trình của nhà nước.
Hiện đại hóa thể chế của Việt Nam đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ nhà nước và mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường và xã hội. Nỗ lực nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước cần thực hiện đồng bộ 3 nội dung: (1) Xây dựng một nhà nước được tổ chức hợp lý hơn với bộ máy chức nghiệp thực tài; (2) Áp dụng nguyên tắc thị trường trong hoạch định chính sách kinh tế; và (3) Nâng cao trách nhiệm giải trình của nhà nước.
Quý vị quan tâm có thể đọc Báo cáo Việt Nam 2035 và tài về từ địa chỉ:
Bản Tiếng Việt:
https://openknowledge.worldbank.org/bitstream/handle/10986/23724/VN2035Vietnamese.pdf
Bản tiếng Anh:
https://openknowledge.worldbank.org/bitstream/handle/10986/23724/VN2035English.pdf
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển