Sáng ngày 17 tháng 4 năm 2018, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) tổ chức hội thảo “Đổi mới phương pháp dạy học trong kỷ nguyên số đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp” tại hội trường lớn.
Tại buổi hội thảo, quý lãnh đạo cùng các chuyên gia đã trình bày, trao đổi những phương pháp trong đổi mới giáo dục nghề nghiệp thời đại công nghệ 4.0 cũng như các thức thực hiện và triển khai chương trình.
Tham dự hội thảo về phía Bộ Lao động thương binh và xã hội có GS.TS Lê Quân – Thứ Trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, TS. Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Đại diện Tổng cục giáo dục nghề nghiệp có TS. Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Th.S Trần Quốc Huy – Chánh Văn phòng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, TS. Khương Thị Nhàn – Giám đốc ban quản lí vốn chương trình mục tiêu, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp. Về phía nhà trường có PGS.TS Ngô Văn Thuyên - Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS Lê Hiếu Giang – Phó Hiệu trưởng nhà trường, TS. Trương Thị Hiền – Phó hiệu trưởng nhà trường, Th.S Nguyễn Minh Triết - Trưởng Trung tâm dạy học số, PGS.TS Ngô Anh Tuấn – Nguyên viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ Thuật. Đại diện công ty IEG Việt Nam, bà Phạm Thị Diễm – Tổng Giám đốc công ty, đại diện của 100 trường CĐ, trung cấp, đại diện các đơn vị doanh nghiệp cung cấp các giải pháp dạy và học số, cùng thầy cô là lãnh đạo phòng khoa, ban, các viện và giảng viên.
GS.TS Lê Quân – Thứ Trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Quân cho biết Bộ Lao động thương binh và Xã hội sẽ triển khai 2 dự án lớn là Xây dựng cơ sở quản lý dữ liệu tích hợp hệ thống trong toàn quốc để kết nối tất cả các trường nghề và phát triển thị trường đào tạo trực tuyến, theo đó, trong thời gian sớm nhất toàn bộ thủ tục hành chính, công tác kiểm định chất lượng, quản lý văn bằng chứng chỉ… đều được thực hiện trực tuyến và cho phép phát triển thị trường đào tạo trực tuyến, cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực có thể cung cấp các chương trình, môn học, modun trực tuyến cho phép người học đang học tại các trường hoặc người dân trong xã hội có nhu cầu học tích lũy mô - đun trực tuyến… Hình thành thị trường đào tạo trực tuyến trong đó nhiều đơn vị có giải pháp đào tạo trực tuyến cho đơn vị của mình và cung cấp cho cả thị trường giáo dục nghề nghiệp. Bộ cũng sẽ đẩy mạnh được kết nối cung ứng lao động theo nghề và theo khu vực, kết nối với cầu của thị trường lao động thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống kết nối dữ liệu của các trường.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường trình bày tại hội thảo
Thầy Đỗ Văn Dũng đã trình bày tại hội thảo những kết quả đạt được, các chương trình đang triển khai cũng như khó khăn và thách thưc của nhà trường trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy tại nhà trường, định hướng phát triển giáo dục của trường trong xu thế công công nghệ 4.0. Theo thầy, nhà trường áp dụng công nghệ thông tin vào công tác dạy và học của giảng viên và sinh viên nhà trường từ năm 2006, tuy nhiên cơ sở hạ tầng và điêu kiện vật chất của sinh viên thời điểm đó không cho phép để thực hiện chương trình. Từ năm 2013, nhà trường đã đầu tư vào hệ thống hạ tầng mạng, phòng dạy học số, triển khai và phát triển chương trình học kết hợp giữa online (e-leaning) và lên lớp truyền thống , tạo nền tảng xây dựng chương trình dạy học theo dự án, thực hiện đánh giá giảng viên và chất lượng đào tạo của nhà trường với sinh viên qua hình thức online, tăng cường công tác kiểm tra đánh giá sinh viên liên tục cả hai hình thức online và trên lớp cũng như các dự án mà sinh viên tham gia trong chương trình học nhằm tạo thói quen học cả đời, học liên tục cho giảng viên và sinh viên. Hiện tại nhà trường đang đẩy mạnh Thư viện điện tử, sách điện tử để sinh viên có thể tìm đọc và nghiên cứu tài liệu ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào mà không cần phải phụ thuộc vào thời gian hoạt động của thư viện.
Th.S Nguyễn Minh Triết - Trưởng Trung tâm dạy học số, báo cáo kết quả hoạt động và trình bày phương hướng hoạt động của Trung tâm dạy học số HCMUTE
Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày mô hình giảng dạy kết hợp và phương pháp dạy học hiệu quả trong kỷ nguyên số, hệ thống quản lý học tập số trong việc sử dụng công cụ tối ưu hóa phát triển tài liệu giảng dạy và khai thác tối đa hệ thống quản lý học tập số với Công nghệ giáo dục 4.0 đang áp dụng tại các trường Cao đẳng và Đại học hàng đầu trên thế giới, công cụ quản lý hệ thống tích hợp với các tiêu chuẩn kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế và ứng dụng Mobile Learning trong Giáo dục Nghề Nghiệp. Hơn nữa, Hội thảo còn trang bị cho người tham dự các kỹ năng và kiến thức về ứng dụng công nghệ số trong đổi mới việc giảng dạy và học tập.
Chuyên gia từ IEG cung cấp dịch vụ dạy học số trình bày dịch vụ tại hội thảo
Trong công tác tuyển sinh cũng như hoạt động thông tin các chương trình sự kiện đang diễn ra tại trường đến với cộng đồng đặc biệt là quý phụ huynh có con em đã, đang hoặc sẽ học tại trường, quý doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự tại trường, Kênh truyền hình Kỹ thuật số - UTE TV ra đời, đảm bảo cung cấp đầy đủ và chính xác nhất các thông tuyển sinh thông qua công tác tư vấn trực tuyến của Ban giám hiệu và quý thầy cô lãnh đạo ở các khoa, thông tin nhanh nhất các hoạt động tại trường, đăc biệt là hoạt động bảo vệ khóa luận của sinh viên,…minh chứng cho chất lượng dạy và học tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Trong những năm tới, với mong muốn sinh viên thay đổi tư duy với việc học online và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc học của mình, nhà trường tiếp tục đầu tư và phát triển hệ thống hạ tầng mạng, cho ra đời trường đại học ảo, thực hiện các khóa học online, thực hiện chương trình dạy học xuyên biên giới, đầu tư 3 trung tâm sáng tạo kỹ thuật trong trường – đáp ứng nhu cầu học hỏi, khám phá và sáng tạo của sinh viên.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục nghề nghiệp giúp giảm thiểu chi phí đào tạo, tạo sự linh hoạt cho người học, và tạo sự thân thiện của người học với công nghệ thông tin. Hội thảo ““Đổi mới phương pháp dạy học trong kỷ nguyên số đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp” đã kết thúc, mang đến nhiều phương pháp dạy học trong kỷ nguyên số cũng như sự cấp bách của nó, tuy nhiên để đạt được thành công và vai trò của công nghệ thông tin thật sự phát huy đúng mục đích, cần sự đầu tư, cố gắng của toàn xã hội, không chỉ riêng ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) sẽ tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong đời sống, kinh tế xã hội. Do áp dụng các thành tựu của CMCN 4.0, khi đó nhiều lĩnh vực công nghiệp được tự động hóa thay thế con người và các yêu cầu về kỹ năng của người lao động sẽ cao. Khi đó nếu người lao động không nâng cao năng lực, kỹ năng để thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất thì bị loại khỏi thị trường lao động. Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước đang phát triển trong khu vực và thế giới đều đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho cuộc CMCN 4.0. Chính vì vậy, câu hỏi đặt không chỉ với nền giáo dục (GD) Việt Nam mà của cả thế giới là làm thế nào để đào tào ra nguồn nhân lực lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của thế giới. Do đó, đối với nền GD Việt Nam nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng, nơi cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực, lao động, đây chính là thách thức của ngành giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu mới của thời đại.
IEG Việt Nam là đơn vị cung cấp những giải pháp của Blackboard về việc quản trị dạy và học trực tuyến. IEG cũng là nhà đại diện chính và duy nhất của Blackboard tại Việt nam. IEG cung cấp về nền tảng công nghệ 4.0, ứng dụng và tích hợp cơ sở dữ liệu, nội dung, các khóa học trực tuyến đến từ hơn 200 nhà xuất bản hàng đầu trên thế giới. IEG Việt Nam cung cấp trang thiết bị chuẩn công nghệ 4.0 cho phòng lab và thư viện các trường học, các cơ sở giáo dục đào tạo từ mầm non – đến tiểu học, trung học, cao học, đại học và sau đại học. Mục tiêu của IEG là hướng tới một nền giáo dục tốt nhất cho cộng đồng.
Nhóm Tin-Ảnh
PTT tổng hợp