Tại cuộc họp về nhóm xét tuyển phía Nam, đại diện các trường cho rằng các trường lớn không nên đặt ngưỡng thấp, vét thí sinh gây ảnh hưởng việc tuyển sinh các trường tốp dưới
Chiều tối 3-4, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM diễn ra cuộc họp nhóm xét tuyển phía Nam, do ĐHQG TP HCM và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM thành lập từ năm 2017, với sự tham gia của 83 trường ĐH từ Quảng Bình trở vào.
Tôn trọng quyền tự chủ
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết cuộc họp chiều 3-4 nhằm nhìn lại quá trình xét tuyển ĐH năm vừa qua và đề ra giải pháp cho năm 2018. Nhóm được tạo lập nhằm mục đích lọc ảo cho các trường tham gia và trên cơ sở dữ liệu chung, dữ liệu riêng từng trường sẽ định mức điểm trúng tuyển phù hợp. Phương án xét tuyển chung của nhóm chỉ là về mặt kỹ thuật, vẫn bảo đảm quyền tự chủ của các trường trong xét tuyển nhưng lại giúp các trường lọc được thí sinh ảo với các trường trong nhóm.
Ông Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng Ban ĐH - ĐHQG TP HCM, cho biết do 2017 là năm đầu tiên thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nên bắt buộc phải lọc ảo theo cách mới, khiến các trường rất lo lắng tỉ lệ ảo. Do đó, nhóm lọc ảo phía Nam hình thành với sự tham gia của 83 trường ĐH, phân viện. Nguyên tắc hoạt động của nhóm là tự nguyện dựa theo quyền lợi của trường, thí sinh; tôn trọng tuyệt đối tính tự chủ của các trường. Trong quá trình triển khai, nhóm đã đưa ra lịch trình triển khai lọc ảo chi tiết, đạt tiến độ thời gian. Trong quá trình triển khai, bên cạnh nhiều thuận lợi, nhóm cũng gặp một số khó khăn cần giải quyết trong năm 2018, như một số trường chưa tuân thủ những quy định chung nên chênh lệch giữa số lượng gọi và số lượng trúng tuyển; một số trường chưa tham gia đầy đủ số lần lọc ảo. Kết quả, sau 13 lần lọc ảo trong nhóm và 6 lần của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trên 60 trường trong nhóm đạt tỉ lệ gọi thí sinh 100%. Từ đó, ĐHQG TP HCM đánh giá kết quả lọc ảo đạt kết quả cao.
Từ kinh nghiệm kỹ thuật xét tuyển nhóm phía Bắc, PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chia sẻ từ năm 2016 đã thực hiện xét tuyển nhóm cho 12 trường ở Hà Nội và năm sau lên tới 60 trường phía Bắc. Vị đại diện này cho biết có thể chuyển giao phần mềm miễn phí cho phía Nam. Phần mềm này có thể đưa ra danh sách thí sinh trúng tuyển.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ - phát biểu tại cuộc họp.
Ảnh: HUY LÂN
Phải tuân thủ "luật chơi"
Vấn đề tỉ lệ ảo và giải pháp lọc ảo tối ưu là chủ đề thảo luận chính của cuộc họp. Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, tỉ lệ ảo là lỗi hệ thống, các trường ĐH phải chấp nhận do nhà nước phân giáo dục ĐH và trường nghề riêng. Ngoài ra, nhiều thí sinh do chưa nắm mức học phí, các trường tự chủ tài chính nên khi nhận giấy báo thấy học phí cao thì từ bỏ, về học trường địa phương hoặc trường nghề cho đỡ tốn.
Đồng quan điểm, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết ảo là hệ quả đương nhiên do phương thức xét tuyển nhiều trường hiện nay khác nhau, có trường xét học bạ, tuyển thẳng thí sinh trường chuyên… Do đó, ông đề nghị các trường tốp trên nên xác định mức điểm sàn vào trường một cách sát sao, thực tế hơn, gọi thí sinh trúng tuyển ở mức độ vừa phải, không nên gọi lố, vét cơ hội của các trường tốp dưới. Thông tin tại buổi họp cho thấy năm 2017, một trường ĐH ở miền Tây Nam Bộ gọi số lượng trúng tuyển lên đến 200% so với chỉ tiêu để chống ảo.
Cuộc họp cũng xoay quanh tranh luận giữa những ý kiến muốn giữ nguyên phần mềm lọc ảo và nguyên tắc hoạt động nhóm như năm ngoái và nhóm muốn thay đổi, chuyển sang phần mềm xét tuyển của phía Bắc. Theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, do năm ngoái nhóm hoạt động rất hữu ích trong việc chống ảo nên năm nay duy trì phương án cũ. Tuy nhiên, ông đề xuất nhóm thống nhất quy ước chung bằng văn bản nhằm cam kết trách nhiệm và mỗi trường góp một phần tổ chức để duy trì nhóm. Còn đại diện ĐH Đà Nẵng đề xuất nên chuyển hình thức hoạt động giống nhóm xét tuyển phía Bắc và sử dụng phần mềm xét tuyển của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vì nó tự động hoàn toàn, hiệu quả hơn nhiều so với phần mềm lọc ảo bán tự động như phía Nam. Đại diện này cho biết tuy dùng phần mềm giống nhau nhưng phía Nam có thể điều chỉnh theo "luật chơi" của riêng mình.
"Nếu không có luật chơi, các trường tốp trên vi phạm hạ điểm chuẩn như năm ngoái thì trường dưới thiếu thí sinh ngay. Đồng thời, chúng ta cần tìm đơn vị giám sát luật chơi này" - vị đại diện từ ĐH Đà Nẵng đề xuất. PGS Nguyễn Phong Điền cho rằng nhóm xét tuyển cần cộng đồng chia sẻ và hướng về thí sinh. "Các trường lớn không nên ích kỷ, đặt ngưỡng thấp, vét thí sinh của các trường tốp dưới. Nhiều ngành, các trường phải chấp nhận không lấy đủ chỉ tiêu. Chứ hạ điểm để tuyển đủ chỉ tiêu dẫn tới em 20 điểm học cùng 27 điểm thì đào tạo rất khó" - ông Điền phân tích.
Có nên đăng ký nguyện vọng trước khi thi?
TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ - cho biết công tác tuyển sinh năm 2018 không có nhiều khác biệt với năm 2017, xu hướng chung là đa số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường ĐH công lập. Năm ngoái, 74% thí sinh đã điều chỉnh nguyện vọng sau khi có điểm, nên ông đặt câu hỏi liệu có nên cho thí sinh tiếp tục đăng ký trước không vì dữ liệu này chỉ là để các trường tham khảo.
ThS Nguyễn Anh Vũ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, đồng tình về hiệu quả hoạt động của nhóm. Tuy nhiên, ông đề xuất nhóm rà soát lại xem hệ thống có sai sót làm thí sinh trúng tuyển hai trường không, những thí sinh trúng tuyển bằng học bạ rồi có cập lần nữa lên hệ thống không… Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến ảo trong năm qua và nhóm cần tìm giải pháp khắc phục.