Tác giả :

  Kính thưa:
- GS - TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD & ĐT.
- Bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP HCM.
- Ông Thomas Kruse HT trường Emindinghen
-  TS Trịnh Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng, TC GDNN
- Các đại biểu và khách quý đến từ các cơ quan đoàn thể, công ty, ĐH, THPT
- Phóng viên báo đài.
- Các thế hệ giảng viên, cán bộ viên chức, học viên và sinh viên của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM
     Năm 2017 là một năm đặc biệt, đánh dấu mốc son rực rỡ khi ngôi trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thân yêu tròn 55 tuổi. Trong ngày vui hôm nay, Nhà trường rất vinh dự được đón tiếp Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Lãnh đạo các Sở, Ban Ngành Địa phương, lãnh đạo các trường bạn trong và ngoài nước, các chuyên gia nước ngoài, Lãnh đạo nhà trường các thời kỳ, quí thầy cô giáo, các cựu học sinh, sinh viên của trường. Trong không khí rộn ràng, vui tươi, phấn khởi của toàn trường, thay mặt Đảng ủy, BGH nhà trường, lời đầu tiên tôi xin gửi đến quý đại biểu, các thế hệ CBVC, thầy cô, và học viên sinh viên trường lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công! 
     Với bề dày thành tích 55 năm (05/10/1962 –05/10/2017), từ khi thành lập đến nay, Trường đã đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng như cung cấp đội ngũ kỹ sư chất lượng cao cho cả nước, đặc biệt là góp sức to lớn vào thành tựu kinh tế xã hội của cả nước. 
     Nhân ngày kỷ niệm 55 năm, chúng ta cùng quay về quá khứ, nhìn lại lịch sử của ngôi trường dấu yêu này. 
     Ngày 05/10/1962 theo quyết định số 1082/GD của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật thuộc Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ, tiền thân của Trường ĐH SPKT TPHCM ra đời. 1965 Chính phủ CHLB Đức tài trợ xây dựng trường TH Kỹ thuật Việt Đức. 1967 khởi động dự án USAID xây dựng trường theo thiết kế của trường SIU (Southern Illinois University). Ngày 21/09/1972, theo công lệnh số 2826/GD/TTH/CL trường được đổi tên thành Trung tâm Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ - Thủ Đức. Năm 1974, cùng với việc thành lập Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức, Trường được đổi tên thành Đại Học Giáo Dục Thủ Đức là 1 trong 7 thành viên của Viện. Ngày 27/10/1976, đổi tên thành Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức theo quyết định số 426/TTg. Năm 1984, Trường Trung học Công nghiệp Thủ Đức sáp nhập vào trường và trường chính thức có tên Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Tp. Hồ Chí Minh. Năm 1995, tiếp tục tiếp nhận Trường Sư phạm Kỹ thuật 5 (do Liên Xô xây dựng) và năm 1998, trường có thêm thêm Trường CNKT Việt Hàn.
     Để có được thành tích vẻ vang, một thương hiệu danh tiếng ngày hôm nay, chúng ta sẽ không bao giờ quên những hy sinh, gian khổ mà các thế hệ đi trước đã trải qua trong lịch sử hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển của Nhà trường. Chúng ta cũng mãi ghi ơn lãnh đạo trường qua các thời kỳ, các thế hệ cán bộ, công chức cùng bao lớp cựu SV, đã đóng góp công lao to lớn xây dựng từ nền móng đầu tiên đã khai sáng sự nghiệp sư phạm kỹ thuật của cả nước. 
     Chúng ta sẽ không bao giờ quên thầy Trần Lưu Cung là Trưởng Ban Sư phạm Kỹ thuật đầu tiên, giai đoạn 1962-1968 – người gánh vác trọng trách đưa Ban Cao đẳng SPKT bất chấp khó khăn ban đầu phát triển mạnh mẽ. Kế đó là GS Nguyễn Thụy Ái 1968-1970 và sau cùng là thầy Lê Đình Viện giai đoạn 1970-1972. GS. Dương Văn Yến là Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật. Năm 1972, thầy Dương Văn Yến qua đời, thầy Ngô Đình Duyên kế nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật. Cho đến khi Đại học Giáo dục được thành lập, GS. Nguyễn Thuỵ Ái là Hiệu trưởng đầu tiên của trường. 
     Tháng 4/1975 PGS-TS Cao Minh Thì đảm đương nhiệm vụ Trưởng ban quân quản của trường. Nhờ thầy và các đông chí trong Ban quân quản mà trường ĐH Giáo dục Thủ Đức bảo toàn được cơ sở vật chất, không bị nạn hôi của những ngày đầu giải phóng như các trường ĐH khác. Bước vào giai đoạn những năm 1976 – 1985, thập kỷ đầu thống nhất đất nước, PGS.TS Nguyễn Xuân Tài, từ năm 1978 là GS.TS Nguyễn Ngọc Cẩn, PGS-TS Trần Thành Long 1991,  PGS-TS Phùng Rân 1996-2003, PGS-TS Thái Bá Cần 2003-2013.
     Có được thành quả ngày hôm nay, chúng ta thành kính tri ân và nghiêng mình tưởng nhớ thầy thầy Cung, thầy Ái, thầy Nam, thầy Tài, thầy Cẩn, thầy Đương, thầy Đáo, thầy Minh…những thầy đã ra đi, nhưng di sản của các thầy chắc chắn sẽ được các thế hệ tiếp theo củng cố phát triển.
     Kính thưa quý vị đại biểu!
     Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy trò đã luôn luôn phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, vươn lên đạt được những thành quả cao nhất. Từ một Ban Cao đẳng SPKT, đến ĐH Giáo dục 1975, chúng ta đã đào tạo được 11 khoá với tổng cộng 622 sinh viên tốt nghiệp bao gồm: 136 giáo viên trung học kỹ thuật đệ nhị cấp; 486 giáo viên trung học kỹ thuật đệ nhất cấp. Đến nay, từ mái trường này đã có gần hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp tung cánh muôn phương, đặc biệt chỉ trong 10 năm từ 2007 -2017 đã có 47 chương trình đào tạo ĐH, trong đó có 10 chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, 14 chương trình đào tạo Thạc sỹ, 6 chương trình đào tạo TS với 2204 thạc sĩ; 38.676 kỹ sư, cử nhân; 4.090 cử nhân cao đẳng ra trường. Rất nhiều cựu SV của trường hiện nay đang nắm giữ các cương vị chủ chốt của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nền kinh tế của đất nước. Hôm nay, rất nhiều trong số đó đã tụ hội về đây trong vòng tay ấm tình bè bạn, chính họ đã làm rạng danh trang sử vàng truyền thống của nhà trường.
     Kính thưa Quý vị!
     Trong vài thập kỷ qua, cái tên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy của người học và phụ huynh nhờ SV tốt nghiệp với chất lượng đào tạo vượt trội, tỷ lệ có việc làm của SV ra trường thuộc loại cao nhất Việt Nam, SV tốt nghiệp của trường được các doanh nghiệp trong và ngoài nước săn đón.  Có được thương hiệu danh tiếng như vậy là nhờ vào những nỗ lực sáng tạo, đổi mới và cố gắng không mệt mỏi của tập thể viên chức, giảng viên, sinh viên trường. Nói đến Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM ngày nay là nói đến ngôi trường với SV tốt nghiệp vững lý thuyết, giỏi thực hành, kỹ năng tay nghề và kỹ năng mềm vượt trội, tác phong công nghiệp nhờ kế thừa truyền thống của người Đức và tiếp đến là tính thực dụng và sáng tạo của người Mỹ. 
     Nhân dịp này tôi cũng xin chia sẻ niềm vui từ những kết quả mà trường đã đạt được trong năm học 2016 – 2017 với chủ đề “Ứng dụng CNTT và IoT để xây dựng trường thành ĐH thông minh”. Trường tiếp tục đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, IoT trong mọi hoạt động của nhà trường, trong đổi mới dạy và học với 100% giảng viên sử dụng LMS của Pearson Education và Black Board trong blended teaching, triển khai hiệu quả hệ thống TA trợ lý giảng dạy, áp dụng hệ thống đánh giá KPI cho CBVC, sự ra đời của UTE-TV để kết nối nhà trường với các bên liên quan. Công tác tư vấn tuyển sinh với nhiều hình thức đa dạng như ngày mở, cà phê tuyển sinh, trao học bổng tạo nguồn, học bổng nữ SV kỹ thuật, ký hợp tác toàn diện với các trường THPT, xây dựng các CLB kỹ thuật ở các địa phương… đã góp phần vào thắng lợi rực rỡ của mùa tuyển sinh 2016. Cơ sở vật chất cho các phòng thực tập, thí nghiệm cũng được đầu tư lớn… Công tác chăm lo cho SV và cộng đồng cũng khởi sắc với sự ra đời của các khu tự học, Góc sẻ chia và Thư viện chất lượng cao với chỗ nghỉ trưa cho SV. Quan hệ doanh nghiệp được đưa lên một tầm cao mới với các thỏa thuận hợp tác toàn diện, sự ra đời cũa Hội đồng tư vấn doanh nghiệp và các hội chợ việc làm đã thu hút hàng trăm công ty. Trường đã được kiểm định chất lượng theo các tiêu chí của Bộ GD & ĐT. Chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, thương hiệu của nhà trường tiếp tục được khẳng định không những trong nước mà vươn tầm khu vực với 4 chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA với số điểm khá cao. Năm học này sẽ có thêm 04 chương trình được đánh giá theo chuẩn chất lượng khu vực và lộ trình đến năm 2020 tất cả các chương trình, và trường sẽ được đánh giá theo chuẩn AUN-QA. Từng bước hội nhập và chuẩn bị cho giai đoạn mới – giai đoạn vươn tầm thế giới, trường đã triển khai 10 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Quan hệ quốc tế cũng được đẩy mạnh với sự hợp tác chặt chẽ với ASU trong dự án HEEAP, BUILD-IT, với USAID trong dự án COMET, với các đại học trong trong khu vực trao đổi GV và SV, với ĐH Sunderland UK, Pearson Education và TEG Singapore trong hợp tác đào tạo quốc tế.
     Theo thống kê năm học 2016 - 2017, 95% sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 6 tháng, trong đó có 49% sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp. Hàng ngàn kỹ sư của trường đang làm việc tại Nhật Bản với chất lượng không thua kém kỹ sư Nhật. Thông qua Khoa Sáng tạo và khởi nghiệp, các không gian sáng tạo kỹ thuật, các sân chơi kỹ thuật cho SV cũng như hình thành các nhóm NC trọng điểm, NCKH được đẩy mạnh trong SV lẫn GV. Năm 2017, hai đội Cactus SPKT và Nothing Impossible của ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp. HCM xuất sắc là 2 đại diện của Việt Nam trong 10 đội lọt chung kết cuộc thi "Thử thách Sáng tạo", vượt qua hơn 200 nhóm dự thi (Việt Nam có 35 nhóm) đến từ 9 nước ASEAN. Số lượng các bài báo ISI đã tăng mạnh mẽ lên con số 149. Nhiều công trình của SV như máy bán phở, bán trà sữa tự động, robot dịch vụ… đã được chuyển giao cho các công ty. Sắp tới, phát huy thế mạnh này, trường sẽ đầu tư mạnh mẽ vào 4 không gian sáng tạo kỹ thuật. Thu nhập bình quân đầu người của CBVC khá cao, thuộc nhóm cao nhất trong các trường ĐH ở khu vực TPHCM, giúp các thầy cô yên tâm cống hiến.
     Bên cạnh sự chuyển mình mạnh mẽ trong các hoạt động nêu trên, việc chăm lo cho sinh viên được nhà trường quan tâm sâu sắc thể hiện rõ qua những chính sách và hoạt động thiết thực. “Luôn chăm lo SV như con em mình”. Năm 2013, Trung tâm Dịch vụ sinh viên được thành lập nhằm hỗ trợ sinh viên trong học tập và đời sống, tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống và tìm việc làm bán thời gian cho SV. Năm 2017, "Góc sẻ chia" UTE ra đời, là nơi để các GV, SV, các công ty giúp các em SV khó khăn. Mới đây, lãnh đạo nhà trường đã tổ chức gặp gỡ động viên các SV có hoành cảnh khó khăn, thành lập Quỹ hỗ trợ SV nghèo, công bố các loại học bổng với hơn 30 tỷ đồng.
     Công tác truyền thông mạnh mẽ của trường là điểm nhấn được các cấp trong ngành đánh giá cao và các trường đại học đến tham quan, học hỏi. Việc thành lập phòng Truyền thông và hình thành UTE TV – kênh truyền hình đầu tiên của một trường đại học tại Việt Nam là bước đổi mới đột phá trong công tác truyền thông của nhà trường. Hiệu quả truyền thông được thấy rõ thông qua chất lượng và điểm đầu vào của trường nằm trong nhóm đầu các trường khối kỹ thuật tại VN.
     Kính thưa các thầy các cô giáo, CBVC
     Kỷ nguyên số đang đòi hỏi chúng ta thay đổi để phù hợp với văn hóa làm việc mới của con người, vai trò của các thầy cô trong thời đại mới là hướng dẫn, huấn luyện - coaching chứ không phải teaching như ở thế kỷ trước. Đây là trách nhiệm, thách thức lớn lao và gánh nặng trên vai các thầy với việc chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng “project based curriculum”, giúp SV learning by doing, khi phải liên tục học, liên tục sáng tạo và đổi mới để thích nghi với yêu cầu của thời đại. Các thầy cô phải là các tấm gương tự học, tấm gương về NCKH, tấm gương về rèn luyện ngoại ngữ cho các em noi theo. 
     Trường ta với triết lý giáo dục: Nhân bản, sáng tạo, hội nhập, đã sẵn sàng cho những thay đổi nhanh chóng về công nghệ kể cả công nghệ giáo dục do cuộc CMCN lần thứ tư mang lại. Đây là thách thức nhưng cũng là chính là cơ hội để chúng ta bước nhanh hơn trong việc phát triển nhà trường và tiếp cận khu vực. Trường được thí điểm tự chủ từ 30/6/2017 là cột mốc trường sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực, phản ứng tốt trước các tác động của thị trường luôn thay đổi và những yêu cầu mới thời đại. Quyền tự chủ của trường đại học càng lớn thì đi kèm trách nhiệm xã hội càng cao. Trách nhiệm không chỉ trong chất lượng đào tạo mà còn với cả sinh viên, người sử dụng lao động mà còn với công chúng, với Nhà nước. Chính vì thế, tập thể Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị và đội ngũ giảng viên Trường cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong công tác giáo dục, đào tạo và xây dựng nhà trường, “đổi mới mô hình quản trị ĐH thông qua tự chủ và sáng tạo” như chủ đề năm học 2017-2018 chắc chắn sẽ tạo một bước đột phá, đưa trường ta vươn lên tầm cao mới, đáp ứng những thử thách trong kỷ nguyên số và trở thành trường top đầu của Việt Nam và khu vực.
     Các em sinh viên thân mến, 
     Chúng ta đang sống trong thời đại số, thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những thay đổi rất nhanh chóng nhờ sự phát triển của công nghệ số. Internet of everything, Icloud computing, cảm biến kết nối với internet. Dược sĩ, bác sỹ robot thậm chí robot thầy giáo sẽ lần lượt ra đời. Công nghệ in 3D, Big data, Xe không người lái, Trí tuệ nhân tạo, công nghệ gene, vật liệu và năng lượng mới đã và đang thay đổi thế giới và cuộc sống của chúng ta từng ngày từng giờ…Với việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng số hóa, một số ngành nghề truyền thống đang mất dần lợi thế; cần có nhiều trung tâm nghiên cứu, phát triển, nhiều lao động có kỹ năng, chuyên môn cao, dựa vào công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, để đảm bảo thành công trong một thị trường lao động đầy biến động, các em cần được trang bị kiến thức cơ bản, kiến thức nền tốt cộng với các kỹ năng thiết yếu cho thế kỷ 21: Kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) - năng lực giải quyết vấn đề dựa trên máy tính và các công cụ công nghệ. Kỹ năng tư duy - sức sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định, và khả năng tự học suốt đời. Kỹ năng làm việc - khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo nhóm. Kỹ năng sống (thích nghi) trong xã hội toàn cầu, bao gồm vấn đề ý thức công dân, cuộc sống và sự nghiệp, trách nhiệm cá nhân và xã hội, nhất là tiếng Anh…Tất cả các điều trên liên quan mật thiết với triết lý giáo dục của trường ta: nhân bản, sáng tạo, hội nhập. Do toàn bộ các kiến thức đều có thể tìm kiếm trên internet nên đặc trưng của việc học ở thế kỷ 21 là learning by doing, học qua việc ứng dụng các kiến thức vào các dự án nghiên cứu, chế tạo. Sáng tạo chỉ có thể xuất hiện ở các nhóm nghiên cứu đa ngành. Ngôi trường ĐH SPKT thân yêu này sẽ đồng hành các em, giúp các em hoàn thành nhiệm vụ học tập và rèn luyện, tích lũy các kiến thức và kỹ năng theo yêu cầu của thời đại mới mà thầy đã nêu.
     Tốt nghiệp từ trường ĐH SPKT Tp. HCM các em sẽ không sợ thất nghiệp.Tuy vậy, thầy muốn các em không những làm tốt các vị trí kỹ sư, cử nhân ở các công ty xí nghiệp mà mong các em có những những mục tiêu lớn hơn, hoài bão táo bạo hơn. Đất nước này muốn giàu lên rất cần những người chủ doanh nghiệp, đủ sức cạnh tranh toàn cầu với những ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp mới mẻ và Nhà trường khuyến khích các em ươm mầm các ước mơ này ngay trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Các em là sinh viên của ngôi trường có truyền thống, bề dày lịch sử xây dựng và trưởng thành trên nửa thế kỷ. Các em cần tự hào là sinh viên của ĐH SPKT Tp. HCM, cố gắng học tập và rèn luyện để đáp lại kỳ vọng của các bậc phụ huynh, mong đợi của các thầy cô giáo, các thế hệ cựu SV đã dày công xây dựng được thương hiệu của trường ta như ngày hôm nay. Hành trình 55 năm đoàn kết, năng động, không ngừng sáng tạo, hội nhập sẽ đưa con tàu SPKT tiếp tục tiến lên phía trước, vươn tầm quốc tế tiếp tục là trường tiên phong trong cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam, là trường dẫn đầu về sáng tạo.
     Một lần nữa tôi trân trọng gởi lời tri ân đến lãnh đạo các cấp, đặc biệt là Bộ GD& ĐT, chính quyền TPHCM, chính phủ các nước, Quận Thủ Đức, Q9, các công ty xí nghiệp, các thế hệ cựu SV, CBVC đã đồng hành cùng xây dựng nên 55 năm lịch sử, truyền thống tuyệt vời của trường ĐH SPKT TPHCM. Xin cảm ơn các vị khách quý đã động viên, hỗ trợ và giúp cho trường ngày càng phát triển. 
     Xin kính chúc toàn thể quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công. 
     Xin trân trọng cảm ơn.
                                                                                                                          PGS. TS. Đỗ văn Dũng
Góp ý
Họ và tên: *  
Email: *  
Tiêu đề: *  
Mã xác nhận:
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper  
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
 *
 
LOGO HCMUTE VÀ BỘ NHẬN DIỆN THƯƠNG HIỆU

 

Truy cập tháng:132,304

Tổng truy cập:483,655

     Copyright © 2013, Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật - Tp.HCM

     Địa chỉ: 1 Võ Văn Ngân, Phường Linh Chiểu, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
     Điện thoại: (+84 - 028) 38968641 - (+84 -028) 38961333 - (+84 -028) 37221223
     Hotline Tư vấn tuyển sinh: (+84 - 028) 37222764          Fax: (+84 - 028) 38964922         E-mail: ptchc@hcmute.edu.vn