Trong khuôn khổ dự án Kết nối các quốc gia khu vực hạ lưu Mekong thông qua giáo dục và đào tạo do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ (USAID COMET), trong hai ngày 10 và 11/03/2017 vừa qua, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. HCM đã tổ chức Hội thảo Tập huấn "Cải tiến Phương pháp giảng dạy" cho giảng viên trường.
Hội thảo đi sâu vào nội dung cải tiến phương pháp giảng dạy thông qua ứng dụng các phương pháp giảng dạy mới như Jigsaw learning, Station Learning, Blended-learning, Project-Oriented Learning (Project-Based Learning),... Qua đó, hội thảo giúp giảng viên trang bị cho sinh viên các kỹ năng cần thiết giải quyết vấn đề thực tế.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc tại hội thảo
Năm đại diện phụ trách tại Hội thảo bao gồm Th.S Lý Thiên Trang - Điều phối viên Dự án, T.S Nguyễn Văn Trạng, PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, PGS.TS Trương Nguyễn Luân Vũ, TS. Nguyễn Minh Tâm. Các diễn giả này trước khi triển khai dự án đã tham gia bồi dưỡng 10 ngày tại Thái lan, sau đó liên tục tham gia bồi dưỡng qua mạng do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ giảng dạy về các nội dung của dự án, đặc biệt là về việc sử dụng bộ công cụ MekongSkills2Work. Thêm vào đó, khi triển khai Dự án, phía Hoa Kỳ cử Bà Catherine Browning - Country Manager sang hỗ trợ trực tiếp cho trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. HCM.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường đã khuyến khích các giảng viên thay đổi phương pháp giảng dạy để theo kịp với công nghệ và đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Được tổ chức theo phương pháp làm việc nhóm, Hội thảo còn giúp các giảng viên tham gia nâng cao kỹ năng lãnh đạo và phương pháp giảng dạy
Nội dung Hội thảo được thiết kế với hơn mười hoạt động tập trung hướng dẫn giảng viên các kỹ thuật giảng dạy sáng tạo mà dự án định hướng.
Hoạt động nhóm trong hội thảo
Thông qua hai ngày làm việc của Hội thảo, học viên sẽ được hướng dẫn sử dụng bộ công cụ (toolkit) mà dự án MekongSkills2Work cung cấp. Đây là một bộ công cụ tập hợp các kỹ thuật giảng dạy sáng tạo, nhằm chuẩn bị cho sinh viên tốt nghiệp những kỹ năng làm việc trong thế kỷ 21. Bằng phương pháp giảng dạy mà bộ công cụ hỗ trợ, các giảng viên sẽ giúp sinh viên tốt nghiệp bảo đảm công việc và cạnh tranh thành công trong con đường sự nghiệp mà họ lựa chọn. Những sinh viên được đào tạo theo phương pháp của dự án cũng sẽ được trang bị những kỹ năng cần thiết để tìm kiếm cơ hội việc làm không chỉ tại Việt Nam mà còn tại tất cả các nước trong khu vực ASEAN.
Các học viên tham gia được cấp giấy chứng nhận thành viên dự án
Kết thúc Hội thảo, các giảng viên tham gia được cấp giấy chứng nhận là thành viên của dự án. Từ đây, các thành viên sẽ được cung cấp liên tục các khóa đào tạo trong khuôn khổ dự án, cũng như có quyền truy cập vào một cơ sở dữ liệu trực tuyến các công cụ giảng dạy trong mạng lưới MekongSkills2Work.
‘’Chính thức triển khai từ tháng 03/2016, ĐH sư phạm Kỹ thuật Tp. HCM đã trở thành một Trung tâm học tập khu vực Mekong (MLCs) trong mạng lưới MekongSkills2Work, là một trong 12 tổ chức giáo dục ĐH hàng đầu trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN cam kết bồi dưỡng sinh viên tốt nghiệp được trang bị đầy đủ các kỹ năng để sẵn sàng làm việc trong thị trường toàn cầu ngày càng năng động.
Dự án USAID COMET sẽ giúp các trường ĐH và trung tâm dạy nghề tăng số lượng lao động có trình độ trong các lĩnh vực STEM+AT tại các quốc gia hạ lưu sông Mekong.
Dự án được thực hiện nhằm thu hẹp khoảng cách giữa khối tư nhân, các trường ĐH và các trung tâm dạy nghề để đảm bảo việc cung cấp lực lượng lao động có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp địa phương.
Trong 5 năm triển khai dự án, các trung tâm dạy nghề và các trường ĐH sẽ được hỗ trợ để giúp các nhà lãnh đạo tương lai phát triển các kỹ năng cần thiết nhằm thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong các khối ngành có nhu cầu cao tại khu vực.
Dự án này cũng sẽ hỗ trợ cho các quốc gia hạ lưu sông Mekong một lực lượng lao động có thể thu hẹp khoảng cách phát triển trong khối ASEAN và tận dụng những lợi ích của Cộng đồng Kinh tế ASEAN mang lại.’’
VT