Xác định, nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong hai nhiệm vụ quan trọng nhất của trường đại học (ĐH). Ngày 22/4/2019 tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với trường tổ chức Hội thảo khoa học: “Xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học”.
Tham gia hội thảo, về phía lãnh đạo Bộ giáo dục và đào tạo có PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng bộ giáo dục và đào tạo, GS.TS Tạ Ngọc Đôn - Vụ trưởng vụ khoa học công nghệ và Môi trường - Bộ GDĐT, TS Lê Yên Dung - Phó vụ trưởng Vụ khoa học Xã hội Nhân văn và Tự nhiên - Bộ KH&CN, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban đào tạo, Đại học quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước KHGD16-20/032, đại diện đơn vị đăng cai tổ chức có sự hiện diện của PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH SPKT-TPHCM, PGS.TS Ngô Văn Thuyên - Chủ tịch hội đồng trường, PGS.TS Lê Hiếu Giang - Phó hiệu trưởng nhà trường cùng sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý và quý thầy cô đến từ các trường đại học công lập và ngoài công lập trong cả nước.
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng bộ giáo dục và đào tạo phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo cho biết, thông qua các ý kiến tham luận trong hội thảo, Bộ giáo dục và đào tạo muốn lắng nghe ý kiến Cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) về những cơ chế, chính sách NCKH để đưa ra những hành lang pháp lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ. Theo thứ trưởng, có 3 vấn đề chính cần giải quyết hiện nay để đưa công tác NCKH phát triển mạnh mẽ ở các cơ sở giáo dục đại học là: Giải quyết được các vướng mắc về các quy định của pháp luật hiện hành cũng như những quy định về pháp lý cho các nhóm nghiên cứu; Xây dựng và phát triển tài nguyên dùng chung để phát huy tính hiệu quả đầu tư và tránh lãng phí như phòng thí nghiệm, các cơ sở vật chất ở các cơ sở đào tạo,..; Phát huy sức mạnh của hoạt động Đổi mới, sáng tạo.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang tập trung đề xuất xây dựng các nghị định, thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện luật này. Đây là cơ hội rất tốt để thúc đẩy hoạt động chung của các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH), trong đó có hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN).
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo
Đại diện đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm đồng tính với vấn đề chia sẻ tài nguyên của các cơ sở giáo dục. Theo ông, việc các đơn vị giáo dục Đại học thực hiện tốt công tác chia sẻ tài nguyên dùng chung như phòng thí nghiệm sẽ tận dụng tối đa hiệu quả sử dụng của thiết bị, tiết kiệm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi để các nhóm nghiên cứu có thể tiếp cận được với các công nghệ hiện đại dễ dàng hơn.
Toàn cảnh Hội thảo “Xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ
trong các cơ sở giáo dục đại học”.
Trước khi diễn ra hội thảo, Bộ GD&ĐT đã tổ chức 4 đoàn đi khảo sát thực tế tại 20 CSGDĐH lớn, trong đó có 2 ĐH Quốc gia, 3 ĐH vùng và cả các trường ĐH ngoài công lập. Hơn 300 ý kiến của các nhà khoa học là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các trưởng NNC và các nhà quản lý hoạt động KH&CN đều nhất trí cao về chủ trương xây dựng các cơ chế, chính sách trên trong hệ thống các CSGDĐH Việt Nam. Đồng thời khẳng định, đây chính là động lực trực tiếp để đẩy mạnh hoạt động KH&CN trong các CSGDĐH ở Việt Nam hiện nay.
Một đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Trong buổi sáng, hội thảo đã lắng nghe GS.TS Tạ Ngọc Đôn - Vụ trưởng vụ khoa học công nghệ và Môi trường - Bộ GDĐT báo cáo tóm tắt kết quả lấy ý kiến trực tiếp từ 20 đơn vị và đưa ra các vấn đề cần tập trung thảo luận. Tham luận về “Thực trạng xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay” của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban đào tạo, Đại học quốc gia Hà Nội và Tham luận về “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” của TS. Trần Thanh Thưởng - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Buổi chiều, các các nhà khoa học, các nhà quản lý và quý thầy cô tham dự hội thảo tiếp tục đưa ra các ý kiến tham luận ở những phòng chuyên đề khác nhau.
Tiếp đến, sáng ngày 23.4.2019, Bộ tiếp tục tổ chức Hội thảo - Tập huấn Triển khai kế hoạch Khoa học & Công nghệ trong các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, NCKH trong trường ĐH đang trở nên có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng các ĐH nghiên cứu, ĐH đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời đóng góp trực tiếp vào việc gia tăng chuyển giao tri thức vào thực tiễn nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Tổng hợp tin: Hoài Thanh
Ảnh: Trường Toản, Thành Tấn