Nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và phát triển chuyển đổi số, chiều ngày 30/09/2024, Phòng Quan hệ Quốc tế thuộc Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (HCMUTE) đã tổ chức buổi làm việc với đoàn chuyên gia đến từ Vương quốc Anh và Viện Hợp tác Phát triển - Trường Đại học Phú Xuân. Đây là dịp để HCMUTE và các chuyên gia thảo luận về những định hướng bền vững trong dự án Digi: Đổi, một dự án chuyển đổi số cho giáo dục đại học Việt Nam được tài trợ bởi Hội đồng Anh.
Tham dự buổi gặp mặt lần này, về phía HCMUTE, có sự hiện diện của PGS. TS. Trương Đình Nhơn - Trưởng khoa Đào tạo Quốc tế, TS. Quách Thanh Hải - Trưởng phòng Đào tạo, ThS. Phạm Bạch Dương - Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế, ThS. Nguyễn Minh Triết - Giám đốc Trung tâm Dạy học số, ThS. Phạm Hữu Thái - Trưởng phòng Quan hệ Doanh nghiệp, và PGS. TS. Nguyễn Thanh Hưng - Phó trưởng phòng Hợp tác và Phát triển Đào tạo. Về phía Viện Hợp tác Phát triển - Đại học Phú Xuân, có TS. Hồ Thị Hạnh Tiên - Giám đốc Viện, ThS. Nguyễn Xuân Thanh - Trưởng Bộ phận Hợp tác Doanh nghiệp, bà Trần Thị Thu Thủy - Trợ lý Viện trưởng, Trợ lý Dự án Digi: Đổi. Về phía các trường đại học tại Anh Quốc, có GS. Tony Wall, TS. Katie Hyslop, TS. Alison Lui đến từ trường Đại học Liverpool John Moores, TS. Sonja Rewhorn đến từ trường Đại học Mở, và TS. Denise Sweeney đến từ trường Đại học Nottingham.
Buổi làm việc giữa HCMUTE, các chuyên gia đến từ Vương Quốc Anh và trường Đại học Phú Xuân
Phát biểu tại buổi làm việc, GS. Tony Wall bày tỏ niềm vui khi có cơ hội đến Việt Nam và chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực giáo dục. Ông cũng nhấn mạnh việc hợp tác giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, hỗ trợ các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo và cung cấp các chương trình học đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động quốc tế.
GS. Tony Wall - Trường Liverpool John Moores phát biểu tại buổi làm việc
ThS. Nguyễn Minh Triết - Giám đốc Trung tâm Dạy học số chia sẻ về những kết quả mà HCMUTE đã đạt được trong quá trình chuyển đổi số, bao gồm việc áp dụng các nền tảng trực tuyến trong giảng dạy và học tập. Ông nhấn mạnh rằng, nhờ việc áp dụng các công cụ công nghệ số, nhà trường đã không chỉ cải thiện trải nghiệm học tập của sinh viên mà còn tăng cường khả năng quản lý và điều hành của giảng viên thông qua việc tối ưu hóa quy trình đào tạo và quản lý học vụ. HCMUTE cũng đã triển khai hệ thống quản lý học tập (LMS) toàn diện, cho phép tương tác hiệu quả giữa giảng viên và sinh viên, đồng thời cung cấp các khóa học trực tuyến có chất lượng cao. Việc số hóa không chỉ giúp nhà trường duy trì hoạt động giảng dạy, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
ThS. Nguyễn Minh triết - Giám đốc Trung tâm Dạy học số HCMUTE phát biểu tại buổi làm việc
Trong buổi làm việc, một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt là việc công nhận tín chỉ giữa các trường đại học, đặc biệt là về tiêu chí đánh giá và sự khác biệt trong chương trình đào tạo giữa các trường tại Việt Nam. Các chuyên gia từ Vương quốc Anh đã chia sẻ rằng việc thiết lập một hệ thống công nhận tín chỉ linh hoạt sẽ giúp tăng cường sự hợp tác và trao đổi sinh viên giữa các trường đại học trong và ngoài nước. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng điều này không chỉ giúp sinh viên có thêm cơ hội học tập tại các cơ sở giáo dục khác nhau mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của các trường đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, việc thực hiện cần phải được xem xét một cách cẩn thận và tùy vào từng trường hợp cụ thể (case by case), với sự tập trung vào tính tự chủ (autonomy) của từng cơ sở giáo dục. Điều này sẽ đảm bảo rằng các trường đại học có thể duy trì chất lượng đào tạo của mình đồng thời đáp ứng các tiêu chí công nhận tín chỉ.
Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, các chuyên gia Anh Quốc đã chia sẻ những kinh nghiệm và thực tiễn chuyển đổi số từ các trường đại học của họ, giúp HCMUTE xác định những lĩnh vực có tiềm năng để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy. Cụ thể, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu số, phát triển các nền tảng học tập trực tuyến tích hợp AI, và cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý. Những kinh nghiệm này không chỉ mở ra cơ hội đổi mới phương pháp dạy học mà còn nâng cao khả năng tương tác giữa giảng viên và sinh viên thông qua các công cụ số hiện đại, giúp HCMUTE đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam.
Đại diện HCMUTE, các chuyên gia đến từ Vương Quốc Anh và trường Đại học Phú Xuân
Buổi làm việc đã kết thúc trong không khí hợp tác tích cực và hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển mới trong tương lai giữa các bên. Chuyển đổi số trong giáo dục đại học không chỉ là một xu thế mà còn là một yêu cầu tất yếu để đáp ứng sự thay đổi của thế giới trong kỷ nguyên số, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.
Tin: Thanh Nhi
Ảnh: Văn Hoàng