"Tôi
không muốn làm người đi sau. Mỗi bước chân trên đường đời có biết bao
chông gai, trắc trở nhưng khi đã có niềm tin, sự đam mê và quyết tâm thì
mọi khó khăn đều có thể vượt qua". Và NGƯT. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu
trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là một người như thế.
NGƯT. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
Gần 30 năm gắn bó với bục giảng
và làm công tác quản lý, thầy đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý:
Phó giáo sư năm 2002; Nhà giáo ưu tú 2006; 3 bằng khen của Bộ GD-ĐT; 01
bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ, 2 bằng khen lao động sáng tạo
và thầy trò thành đạt của Tổng Liên đoàn Lao động VN, 1 bằng khen của
Thủ tướng Chính phủ; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục… Là thành viên
của Hiệp hội Sửa chữa ô tô Úc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư ô tô TP.HCM.
Gian nan chuyện học
Sinh ra trên vùng đất giàu truyền
thống cách mạng, xã An Chấn anh hùng, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, ngay
từ nhỏ cậu bé Dũng đã tự tạo lập cho mình một ý chí và nghị lực mạnh mẽ
trong học tập. Đạt điểm 10 môn toán khi tốt nghiệp THCS, Dũng được tuyển
thẳng vào trường chuyên. Cuộc sống xa nhà, sau những giờ miệt mài bên
đèn sách, những khi được nghỉ hoặc vào dịp hè, Dũng lên núi đốn củi, đào
hầm để hun cây làm than đem về bán kiếm tiền mua gạo, muối những khi
“giáp hạt”. Nhớ lại thời gian này, thầy Dũng chia sẻ: “Thời kỳ bao cấp,
mọi cái đều rất khó khăn! Đậu vào trường chuyên, cái khó của chúng tôi
khi đó ngoài chuyện ăn, ở xa nhà thì việc tự tìm kiếm tài liệu, sách
tham khảo gần như không có. Nhưng có lẽ, chính vì thiếu thốn đủ thứ như
vậy mà ngoài kiến thức được thầy cô giảng dạy trên lớp, việc tự học được
tôi và các bạn đặt lên hàng đầu. Do đó, kiến thức cơ bản ai cũng nắm
vững, gặp một bài toán khó đến mấy dù phải thức trắng đêm cũng phải tìm
ra cách giải”. Tự tin với kiến thức của mình Dũng đã dự thi vào Trường
Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Tin vui đến với Dũng còn hơn cả đậu ĐH khi
nhận được giấy gọi đi du học ở Nga, do điểm thi của Dũng… đạt thủ khoa
ĐH BK ĐN với 29 điểm. Tuy nhiên, khó khăn tiếp tục “níu kéo” Dũng khi
học xong lớp tiếng Nga và về nhà làm lý lịch để gửi ra Bộ. Thế nhưng lý
lịch của Dũng bị địa phương quy kết: Tại sao con em nhiều người có công
với cách mạng không được chọn đi du học mà lại chọn con của viên chức (y
sĩ) chế độ cũ (trong khi thực tế ba Dũng là cán bộ họat động ngầm cho
cách mạng). Khi đó, Dũng tưởng không còn gì để hy vọng thì “quý nhân”
xuất hiện: hàng xóm với gia đình Dũng có người làm cán bộ cấp cao ở
trung ương về thăm quê và sang nhà chơi, khi biết sự việc, người đó đã
làm giấy và trực tiếp ra Bộ bảo lãnh cho Dũng. Vậy là Dũng được sang Nga
du học. Trong 5 năm học ở Nga, Dũng đã 6 lần đại diện trường Đại học
Quốc gia về Công nghệ Ô tô Matscơva (MAMI) đoạt giải nhất trong các cuộc
thi Olimpic toàn Liên Bang. Nhờ vậy, Dũng là SV nước ngoài duy nhất có
mặt trên bảng danh dự treo trước cổng trường. Dũng là một trong số ít SV
có tất cả các môn học trong bảng điểm đều đạt điểm ưu (5 điểm tương
đương với điểm 10 tại Việt Nam), tức điểm trung bình tốt nghiệp mười
phẩy tròn trĩnh. Không những học giỏi, Dũng đã tham gia NCKH từ năm thứ 2
và được Thành đoàn TNCS TP Matscơva trao bằng khen về các công trình
nghiên cứu. Kết thúc 5 năm học, Dũng được chuyển tiếp làm nghiên cứu
sinh (tiến sĩ) do thành tích xuất sắc trong học tập và NCKH. Làm thủ tục
chuyển tiếp nghiên cứu sinh rồi về VN học chính trị (1985), sau đó, về
quê đợi ngày lên máy bay nhưng ăn tết xong vẫn không nhận được giấy báo
và khi Dũng nhận được thì đã quá thời gian quy định. UBND tỉnh và bản
thân Dũng gửi đơn khiếu nại ra bộ nhưng không được giải quyết. Quay lại
Sài Gòn, Dũng vào dạy tại Khoa Cơ khí, Trường ĐHBK TP.HCM nhưng cuộc
sống rất khó khăn vì thành phố lúc đó với cơ chế “bù giá vào lương” chỉ
trợ giúp cho người có hộ khẩu TP, còn Dũng thì suốt một năm trời, thầy
Bình - Trưởng phòng TCCB của ĐHBK TP HCM lúc đó “chạy mãi” hộ khẩu cũng
không xong. Một lần nữa, Dũng lại được quý nhân phù trợ, và đây cũng là
cơ duyên gắn Dũng với ngôi trường ĐH SPKT TP HCM từ đó cho đến bây giờ.
Đang gặp khó khăn thì Dũng gặp thầy Trần Chí Đáo (lúc đó Phó hiệu
trưởng, Bí thư Đảng bộ Trường ĐHSPKT TP.HCM đồng thời kiêm chức Bí thư
Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ và TCCN) một cách tình cờ ở nhà người bác
là CBGD của ĐH BK. Thầy Đáo bảo: Đem hồ sơ qua SPKT đi, 2 tuần là có hộ
khẩu ngay! Thực vậy, với sự quen biết rộng rãi của Thầy Đáo, đặc biệt
là với Ban Tổ chức chính quyền TP, sau 2 tuần Dũng đã có hộ khẩu và
chính thức trở thành giảng viên của Trường ĐHSPKT TP.HCM.
Phải nỗ lực hết mình
Thầy Dũng tâm sự: “Tôi không đặt
mục tiêu là phải dẫn đầu, nhưng quan niệm của tôi là phải nỗ lực hết
mình trong bất cứ việc gì thì mới có thể đạt được hiệu quả cao nhất.
Phải nỗ lực hết mình trong học tập, đào sâu nghiên cứu xung quanh vấn đề
mình học chứ không chỉ học những nội dung bên trong quyển giáo trình
của nhà trường, có như vậy thì mới hiểu biết sâu rộng và nắm chắc môn
học của mình”. Vâng, qua câu chuyện của thầy tôi mới được khám phá nhiều
hơn những quan điểm, tư duy của thầy kể cả khi làm giảng viên hay làm
công tác quản lý. Đó là vào năm 1998, khi được cơ quan “cất nhắc” lên
làm quản lý nhưng bản thân xác định quan điểm: Đa số những người làm
quản lý giáo dục ở Việt Nam xuất thân từ các nhà chuyên môn giỏi nhưng
họ nắm được kiến thức và kỹ năng quản lý qua trải nghiệm là chính, mà
giáo dục thì không cho phép áp dụng phương pháp thử sai! Một người giỏi
chuyên môn muốn quản lý tốt phải được đào tạo về quản lý. Và một lần
nữa, thầy tham gia dự tuyển học bổng AusAID thạc sĩ quản lý giáo dục của
chính phủ Úc, trở thành sinh viên của ngôi trường hàng đầu nước Úc: ĐH
Sydney, dù lúc đó bản thân đã đạt được học vị tiến sĩ (tại Nga) và lại
đậu thủ khoa. Trường ĐH Sydney đề nghị thầy ở lại làm tiếp bằng Tiến sỹ
thứ hai về Quản lý Giáo dục nhưng thầy chối từ và quay về làm việc với
ngôi trường thân yêu mà mình đã chọn. Một mũi tên nhắm 2 đích: Kiến thức
quản lý giáo dục và tiếng Anh! Chia sẻ về quyết định này thầy nhấn
mạnh: “Cả cuộc đời phải học, lĩnh vực nào không biết thì càng cần phải
học. Thời đại ngày nay, những ai đã chấp nhận việc học của mình là đủ
rồi và dừng việc học lại thì chỉ có thể yên phận ở một vị trí hoặc chắc
chắn sẽ bị đào thải trong một thị trường lao động đầy tính cạnh tranh,
còn những ai muốn vươn lên thì chỉ có một con đường: học, học nữa, học
mãi và học cả cuộc đời! Vì xã hội ngày nay là xã hội học tập, chỉ có
bằng cách vươn lên nắm bắt những kiến thức mới hơn người ta, chiếm lĩnh
được vai trò chuyên gia của mình trong công tác, mới có thể đứng vũng ở
những vị trí đầy thử thách. Dù bản thân ở cương vị nào thì việc học là
luôn việc quan trọng nhất”.
Nếu là sinh viên chuyên ngành
khác, chắc hẳn bạn sẽ phải ganh tị với các sinh viên ngành cơ khí động
lực khi thầy giới thiệu cuốn từ điển Anh - Việt chuyên ngành công nghệ ô
tô do chính tay thầy viết. Thầy đã bỏ ra ba năm miệt mài để hoàn tất
cuốn sách này, cuốn sách mà không phải chuyên ngành nào cũng có. Các SV
ngành Công nghệ ô tô trong cả nước coi 2 giáo trình Hệ thống Điện động
cơ và Hệ thống Điện thân xe và điều khiển tự động trên ô tô của thầy – 1
chuyên gia đầu ngành trong cả nước về lĩnh vực này, là hai quyển sách
gối đầu giường. Thầy vừa là đồng nghiệp vừa là người thầy dìu dắt gần
như toàn bộ lớp giảng viên trẻ ngành Công nghệ ô tô của khoa Cơ khí Động
lực hiện nay. Có lẽ sau những thăng trầm trong cuộc sống, điều làm thầy
thấy hài lòng nhất: những gì bản thân mong muốn thì đã đạt được một
phần. Sau thời gian dài phấn đấu trong giảng dạy, nghiên cứu và làm việc
không mệt mỏi, thầy hiện là chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực
điều khiển động cơ và ô tô với gần 60 công trình nghiên cứu được công
bố trong và ngoài nước. Không những vững về lý thuyết, trong lĩnh vực
thực hành, thầy là một chuyên gia có tay nghề siêu đẳng, chuyên giải
quyết các ca khó, luôn được các đồng nghiệp trong ngành nể phục. Đặc
biệt, thầy đã cải tiến lập trình cho các động cơ Waukesha (Mỹ) chạy bằng
gas ở giàn nén nhỏ của Vietsovpetro, giúp tăng công suất làm việc và
hoạt động ổn định hơn trước. Với việc sáng tạo ra hàng chục loại mô hình
giảng dạy, tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề và cập
nhật công nghệ mới cho cả giáo viên các trường ĐH, CĐ, TCCN và cán bộ kỹ
thuật ngành ô tô, thầy đã góp phần tạo ra một nguồn nhân lực mạnh, giúp
ngành này phát triển.
Thầy đã góp phần xây dựng được
một thương hiệu lớn và nổi tiếng của trường ĐH SPKT TP HCM, đó là khoa
Cơ khí Động lực đầy uy tín với chất lượng SV ra trường thuộc loại hàng
đầu Việt Nam theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành. Nếu chúng ta
ghé vào các đại lý ô tô, các garage lớn ở Việt Nam thì đâu đâu cũng có
sự hiện diện của các thế hệ học trò của thầy. Ngày nào, thầy cũng nhận
hàng chục cuộc gọi và tin nhắn tư vấn về các lĩnh vực liên quan đến điện
tử ô tô. Thầy được sinh viên nể phục, tin tưởng, xã hội tin cậy vì cái
tâm luôn đậm chất cống hiến của mình.
Tuy nhiên, điều thầy Dũng trăn
trở với sinh viên ngày nay: dù các em có điều kiện tốt hơn cho việc học,
một môi trường học tập năng động… nhưng các em chưa nhận thấy và làm
nổi bật trách nhiệm của bản thân mình với chính bản thân, gia đình và
đất nước. Vì thế, việc học ngày nay của một bộ phận sinh viên là đối
phó! Làm cách nào sau bốn năm, cầm được tấm bằng ra trường và tự mình
thỏa mãn thành tích nhỏ nhoi đã đạt được. Ý chí vươn lên, trách nhiệm
với cộng đồng, với xã hội, đất nước chỉ có trong một bộ phận nhỏ sinh
viên, đó là điều rất đáng tiếc! Bởi đó là do ảnh hưởng của cơ chế thị
trường, tư tưởng thực dụng trong giáo dục.
Lê Quang Huy (Báo GD TPHCM)