30
chiếc Mắt Thần đã được trao cho Hội người mù các quận trên
địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và một số huyện lân cận.
Sáng 19/04, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM phối hợp cùng công
ty Kiến Bình Minh tổ chức chương trình “Lễ ra mắt và trao tặng Mắt Thần
cho người khiếm thị”. Đây là hoạt động ý nghĩa hướng về ngày Người
Khuyết Tật Việt Nam 18/4.
Trong buổi lễ, 30 chiếc Mắt Thần đã được trao cho Hội người mù
các quận trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và một số huyện lân
cận. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 10 suất học bổng trị giá 1
triệu đồng / suất cho 10 bạn sinh viên vượt khó học giỏi của
trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp. HCM.
Mắt Thần (Haptic Eyes ) được xemlà một trong những thiết bị hiện đại
nhất hiện nay hỗ trợ người khiếm thị. Thiết bị có hình dạng như một kính
mát bình thường, kết hợp với một bộ cảm biến nhận diện vật cản bằng
cách rung lên trước một khoảng cách nhất định để người khiếm thị di
chuyển thuận tiện và hạn chế chấn thương do vật cản. Với mục đích giúp
người khiếm thị hội nhập cuộc sống dễ dàng hơn, sản phẩm đã đoạt giải
Nhân Văn trong cuộc thi Robocon Techshow 2012, giải Nhất Nhà Sáng Chế
Việt Nam tuần 5 Đài Truyền Hình Việt Nam. Đây là công trình khoa học do
TS Nguyễn Bá Hải và cộng sự tại trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM
thực hiện.
TS Nguyễn Bá Hải hiện đang là giảng viên của trường Đại học Sư Phạm Kỹ
Thuật TP.HCM. Anh đã nhận bằng tiến sĩ hạng xuất sắc ngành Biorobotics
(Robot Sinh học) tại Hàn Quốc ở tuổi 28. Từ chối công việc lương cao tại
Hàn Quốc, người tiến sĩ trẻ đã quay về ngôi trường anh đã từng học để
công tác và nghiên cứu. Ý tưởng về “Mắt Thần” cho người khiếm thị bắt
đầu từ một lần tiếp xúc với các hội viên Hội Người Mù Thủ Đức. Trải qua
rất nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về tài chính như TS Hải chia sẻ:
“nhiều lúc phải bỏ tiền túi vào…”, các phiên bản Mắt Thần từ 1 đến 7 lần
lượt ra đời, ngày càng được cải tiến gọn nhẹ tiện lợi hơn.
Nói về thành công của TS Nguyễn Bá Hải, PGS.TS Đỗ Văn Dũng -
Hiệu trưởng trường chia sẻ: “Tôi thật sự tự hào vì học trò
mình nay đã trưởng thành, đem khoa học công nghệ phục vụ cộng
đồng, là một người cổ súy cho tính nhân văn trong khoa học, tôi
sẽ hỗ trợ hết mình cho Hải trong nghiên cứu. Đây cũng chính là
định hướng phát triển mới của nhà trường, đầu tư cho nghiên cứu
khoa học để trở thành một cơ sở uy tín cả trong lĩnh vực dạy
nghề và phát triển khoa học công nghệ”. Thầy hiệu trưởng cũng “đặt
hàng” TS Hải phát triển các ý tưởng về kết hợp Mắt Thần
với điện thoại di động, thay thế cảm biến rung thành cảm nhận
hình ảnh, thậm chí là cả gậy thần cho người khiếm thị.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (thứ hai từ phải qua) - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ về những thành công của TS Nguyễn Bá Hải (bìa phải)
30 chiếc Mắt Thần đã được trao cho Hội người mù các quận trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và một số huyện lân cận
Mắt Thần cho người khiếm thị cũng ghi nhận đóng góp quí báu
của các mạnh thường quân mà người tiên phong là doanh nhân
Nguyễn Hữu Quí – chủ tịch tập đoàn Kiến Vương. Biết đến
Nguyễn Bá Hải qua một bài báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Quí
ngay lập tức nhận ra cái duyên “vì cộng đồng” với chàng tiến sĩ
trẻ. Đồng hành cùng Mắt Thần từ những ngày đầu, sự hỗ trợ
tài chính và cả tinh thần của ông đã giúp giấc mơ Mắt Thần
đến với người khiếm thị trở thành hiện thực. Với mong muốn
đem Mắt Thần đến với người khiếm thị với giá rẻ nhất, công ty
phi lợi nhuận Kiến Bình Minh ra đời, đảm nhiệm việc sản xuất
và phân phối Mắt Thần với mức giá gốc hiện nay là 2,2 triệu
và 3,5 triệu/ chiếc.
Hoàng Thơm
Ảnh: Huỳnh Phan