Sáng 10/04/2014, khoa Kinh tế đã tổ chức tọa đàm “Sinh viên với hoạt
động nghiên cứu khoa học” tại hội trường lớn, trường ĐH Sư phạm Kỹ
thuật TPHCM, thu hút hơn 800 sinh viên tham dự. Buổi tọa đàm có sự tham
dự của TS.Trần Đăng Thịnh- trưởng khoa Kinh tế, thầy Nguyễn Đăng Nam -
phòng Quản lý khoa học và Quan hệ quốc tế, tập thể cán bộ giảng dạy khoa
Kinh tế, cùng các nhóm sinh viên có đề tài nghiên cứu đã được hội đồng
nghiệm thu đánh giá cao của các năm trước.
Đến với buổi tọa đàm, sinh viên được các thầy cô giới thiệu những
lợi ích của hoạt động nghiên cứu khoa học, hướng dẫn quy trình thực hiện
đề tài, cũng như định hướng các mảng đề tài để làm sao gắn nghiên cứu
khoa học với các hoạt động thực tiễn. Ngoài ra, buổi tọa đàm còn là nơi
để các em học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu của các bạn sinh viên đi trước.
Nhiều vấn đề lớn khác cũng được sinh viên đưa ra thảo luận và được các
thầy cô chia sẻ như đạo văn, tính khoa học của tài liệu tham khảo, cách
thức tiếp cận cơ sở dữ liệu khoa học, ....
Tìm tòi đề tài gần gũi với cuộc sống
Sinh viên Ánh Hoa đặt câu hỏi
Ngay từ ban đầu khi quyết định đề tài nghiên cứu, nhiều bạn sinh
viên đã bối rối không biết làm thế nào để lựa chọn được đề tài mang tính
mới, không đi theo lối mòn của những đề tài sẵn có. Giải tỏa những băn
khoăn này, thầy Nguyễn Khắc Hiếu nhấn mạnh trong nghiên cứu, cần chú
trọng đến tính cấp thiết của đề tài, sinh viên nên ưu tiên quan tâm
nghiên cứu những vấn đề đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân
hiện nay. Bạn Hoàng Thị Ngà thêm vào: “Nghiên cứu không phải là điều gì
xa vời, các bạn hãy nhìn xung quanh và tìm những điều chưa hoàn hảo để
làm cho nó hoàn hảo”.
Vượt qua những khó khăn trong quá trình nghiên cứu
Sinh viên Võ Hoài Việt chia sẻ kinh nghiệm
Nghiên cứu khoa học là môi trường học thuật mới mẻ, đòi hỏi sinh
viên phải phối hợp làm việc nhóm, sử dụng tư duy theo lối phức hợp để
thu thập và xử lý dữ liệu, đưa ra kết quả có độ tin cậy cao. Bạn Huế Chi
và bạn Huỳnh Thị Thúy đều chia sẻ khó khăn của nhóm là “lập bảng khảo
sát”, “tìm thời gian họp nhóm” và “thiết kế poster”. Thậm chí, nhóm của
bạn Lê Đức Thuận đã gần như bỏ cuộc giữa chừng vì mới chỉ làm được một
nửa nội dung khi thời gian nghiên cứu đã gần hết. Tuy nhiên, với sự giúp
sức của các thầy cô hướng dẫn, cũng như nỗ lực của chính mình, các bạn
sinh viên đã vượt qua và học được nhiều bài học quý báu. Sinh viên Võ
Hoài Việt tổng kết: “Làm nghiên cứu khoa học, bạn sẽ đúc kết được kinh
nghiệm viết báo cáo, trình bày bài Word, làm Power Point, thuyết trình.
Hồi năm nhất, mình mù tịt tất cả những thứ này. Nhưng nhờ có nghiên cứu
khoa học, mình đã tìm tòi và tự học mọi thứ. Và hiện tại, những công
việc đó rất nhẹ nhàng với mình”. Bạn Hoàng Thị Ngà thay mặt nhóm chia
sẻ: “Ngoài thuận lợi là được sự hỗ trợ nhiệt tình của giáo viên hướng
dẫn thì nhóm còn học và ứng dụng được rất nhiều kỹ năng trong quá trình
làm đề tài: kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết
vấn đề…”.
Ươm mầm sáng tạo
Cô Nguyễn Thị Thanh Vân- phó Khoa Kinh tế trao quà lưu niệm
cho các nhóm sinh viên tham gia chia sẻ
Được tiếp thêm động lực từ các thầy cô và các bạn đi trước, hiểu
rằng nghiên cứu khoa học có thể giúp sinh viên tư duy tốt hơn khi học
tập, đạt được điểm rèn luyện cao hơn và có được hồ sơ xin việc tốt hơn,
nhiều sinh viên đã bắt đầu phác thảo những đề tài nghiên cứu cho mình.
Không dừng lại ở buổi tọa đàm này, một số kế hoạch mới từ phía ban Chủ
nhiệm khoa Kinh tế cũng sẽ được đưa vào thực hiện để hỗ trợ các bạn sinh
viên nâng cao chất lượng các nghiên cứu của mình, hướng đến một mùa thi
“Vườn ươm sáng tạo khoa học và công nghệ trẻ” thành công và thực chất
hơn.
Thu Anh
(Giảng viên Khoa Kinh tế)
Ảnh: Dương Trọng