Ngày 20/12/2024, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) phối hợp cùng Bộ GD&ĐT tổ chức Tọa đàm “Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 124/2024/NĐ-CP và Nghị định số 125/2024/NĐ-CP”. Tọa đàm được kết nối với các Trường Đại học, các cơ sở giáo dục trên cả nước với sự tham dự của các đơn vị chức năng thuộc Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục và các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.
Bộ GD&ĐT giải đáp thắc mắc về quy định mới trong đầu tư giáo dục
Tham dự Tọa đàm có đại diện Bộ GD&ĐT: PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; bà Mai Thị Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế; ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng; ông Đào Hồng Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế; ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; các đồng chí chuyên viên của các đơn vị Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Văn phòng và đại diện các cơ sở giáo dục Đại học trên cả nước.
Về phía HCMUTE có TS. Trương Thị Hiền – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS. TS. Lê Hiếu Giang – Phó Bí thư Đảng uỷ, Quyền Hiệu trưởng Nhà trường, cùng các lãnh đạo đơn vị có liên quan.
Đại diện Bộ GD&ĐT và lãnh đạo các đơn vị giáo dục đại học trên cả nước tại Tọa đàm
Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết: Nghị định số 124 góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng về chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo, khuyến khích các cơ sở giáo dục trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài, thu hút các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới mở phân hiệu tại Việt Nam. Trong khi đó, Nghị định 125 kế thừa những quy định còn phù hợp tại Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và 135/2018/NĐ-CP, đồng thời bổ sung những quy định về điều kiện và trình tự thực hiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cho phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng các yêu cầu về cải cách hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. “Đây là hai Nghị định rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ với một số điểm mới, liên quan đến hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định.
PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu khai mạc Tọa đàm
Báo cáo tại Tọa đàm, ông Đào Hồng Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT cho biết: Nghị định số 125/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 46 và 135 có một số điểm mới, như: Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT; trong đó kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa đối với 8 ngành nghề kinh doanh quy định tại Nghị định số 46 và 135, gồm: Hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non; Hoạt động của cơ sở giáo dục phổ thông; Hoạt động của cơ sở giáo dục thường xuyên; Hoạt động của trường chuyên biệt; Hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; Hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Kiểm định chất lượng giáo dục và dịch vụ tư vấn du học. Đặc biệt, một trong những điểm mới đối với trình tự thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học, phân hiệu của cơ sở GDĐH đó là Nghị định số 125 đã tăng thời hạn của văn bản phê duyệt phê duyệt chủ trương thành lập hoặc cho phép thành lập Trường Đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục Đại học từ 3 năm lên 5 năm.
Ông Đào Hồng Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT chia sẻ tổng quan
về Nghị định 125/2024/NĐ-CP
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT cho biết: Nghị định số 124/2024/NĐ-CP có một số nội dung mới, thay đổi cơ bản so với Nghị định số 86/2018/NĐ-CP như: Đơn giản hóa thủ tục và công khai, minh bạch thông tin; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong hợp tác, đầu tư nước ngoài; tăng cường công tác quản lý và trách nhiệm của địa phương. Dẫn chứng về một số thay đổi quan trọng, ông Dũng cho hay, Nghị định số 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng và chương trình đào tạo của liên kết đào tạo với nước ngoài, trong đó quy định, chương trình đào tạo của nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam phải bảo đảm được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép đào tạo và cấp bằng hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng còn hiệu lực do tổ chức kiểm định chất lượng hợp pháp cấp.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT cho biết một số nội dung mới của Nghị định số 124/2024/NĐ-CP
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) luôn đồng hành làm cầu nối với Bộ GD&ĐT để kịp thời mang đến những thông tin mới nhất, kịp thời về các Nghị định thay đổi với cương vị đơn vị tổ chức tọa đàm đến các cơ sở giáo dục Đại học. Những năm qua, Nhà trường luôn không ngừng thay đổi chất lượng đào tạo, nâng cao thương hiệu với xã hội, thực hiện đúng tiến độ các Nghị quyết của Chính phủ, Bộ GD&ĐT. Những bước chuyển mình của HCMUTE là minh chứng rõ nét về sự quan tâm sâu sắc của Bộ GD&ĐT để vươn mình đạt Top 421-430 QS Asian University Rankings trong năm 2025.
Tổng hợp: Đắc Khoa
Ảnh: Minh Anh