1. Khi SV khoa CNTT có tham gia đề tài NCKH tại khoa khác đã được hỗ trợ thì có được khoa CNTT hỗ trợ không?
- Trả lời: Khoa không hỗ trợ thêm, tuy nhiên khi đề tài quá lớn có thể tách riêng ra thành những đề tài nhỏ hơn liên quan trực tiếp đến ngành CNTT thì khoa có thể hỗ trợ.
2. Em muốn đi thực tập tại các công ty tin học bên ngoài, Khoa có thể hỗ trợ liên hệ hay tổ chức không ?
- Trả lời: Hàng năm, Khoa đều có liên hệ với các công ty tin học trên địa bàn thành phố HCM (TMA, Global Cybersoft, Lạc Việt, …) để gửi sinh viên đến thực tập. Vì vậy, nếu em có mong muốn đi thực tập, em theo dõi các thông báo của Khoa để khi nào đến đợt thì đăng ký.
3. Ý kiến của em lập CLB học thuật của khoa và thường xuyên tổ chức hội thi dành cho CLB học thuật khoa ngày lớn mạnh.
- Trả lời: Chào em, hiện tại Khoa cũng đã có CLB Tin học. Các hoạt động hàng năm của CLB là tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề, cuộc thi Mastering IT. Nếu em có ý kiến đóng góp hay mong muốn tham gia đóng góp vào tổ chức các hoạt động của CLB, em có thể liên hệ anh Nguyễn Thế Bảo (phó Bí Thư Đoàn Khoa, chủ nhiệm CLB).
4. Em là sinh viên năm nhất học ngành CNTT. Cho đến thời điểm này nhưng em vẫn chưa định hướng được chuyên ngành mà mình sẽ chọn vì sắp phải chọn chuyên ngành rồi. Bản thân em thì rất thích việc nghiên cứu chế tạo các ứng dụng bằng phần mềm, nhưng cũng khá yêu thích lắp ráp máy móc... Vậy cho em hỏi: Có chuyên ngành nào của ngành CNTT có thể giúp em đạt được cả 2 mong muốn trên không? Mong Quý thầy cô định hướng giúp em và giải thích rõ từng chuyên ngành thuộc khoa CNTT để em có thể nắm bắt và chọn được chuyên ngành như mong muốn. Em xin chân thành cảm ơn!
- Trả lời: Hiện nay, khoa Công nghệ thông tin đào tạo hai ngành: Ngành công nghệ thông tin và ngành công nghệ thông tin sư phạm kỹ thuật.
+ Khi học công nghệ thông tin, sinh viên được chọn một trong 3 chuyên ngành: Công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin, và mạng máy tính.
+ Trong 2.5 năm đầu, tất cả sinh viên đều được học chung chương trình. Trong thời gian này, sinh viên sẽ được cung cấp các kiến thức nền tảng cần thiết trong lĩnh vực công nghệ thông tin như: Kiến thức về lập trình, về cơ sở dữ liệu, mạngmáy tính,... Dĩ nhiên là bao gồm cả các kiến thức đại cương (toán, lý, ...)
* Trong 1.5 năm sau, các sinh viên sẽ được lựa chọn học 1 trong các chuyên ngành như trên. Trong đó.
+ Chuyên ngành công nghệ phần mềm: cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên sâu về lập trình (các công nghệ và môi trường lập trình, phương pháp lập trình, quy trình xây dựng phần mềm). Khi ra trường, SV có thể tham gia vào các dự án phần mềm với các vị trí khác nhau: developer, designer, tester,...
+ Chuyên ngành hệ thống thông tin: cung cấp cho viên viên kiến thức chuyên sâu hơn về cơ sở dữ liệu: phương pháp phân tích, thiết kế, quản trị dữ liệu, .... Khi ra trường các bạn có thể làm việc tại các công ty phần mềm ở các giai đoạn liên quan đến cơ sở dữ liệu, làm việc tại các công ty thuộc các lĩnh vực khác mà có nhu cầu quản trị dữ liệu,..
+ Chuyên ngành mạng máy tính: Cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên sâu hơn về mạng máy tính. Cách thiết kế, cấu hình, triển khai hệ thống mạng.....Các bạn có thể làm việc tại các công ty cung cấp, triển khai hệ thống mạng, hoặc tham gia quản trị mạng .
Về việc, em có mong muốn học lắp ráp máy tính. Chương trình của Khoa chỉ đào tạo liên quan đến phần mềm. Tuy nhiên, em có thể tham gia các khóa lắp ráp, sửa chữa máy tính của Trung tâm tin học, hoặc các trung tâm khác như iCARE,...
5. Điều kiện để được làm khóa luận tốt nghiệp.
- Trả lời: Hằng năm, Khoa sẽ chọn các sinh viên đủ điều kiện làm khóa luận tốt nghiệp dựa trên điểm trung bình tích lũy và số tín chỉ tích lũy. Điều kiện sẽ thay đổi hàng năm tùy theo số lượng sinh viên và số lượng giảng viên.
6. Đa số các SV đi thực tập đều thuộc ngành CNPM. Môi trường thực tập của ngành mạng như thế nào?
- Trả lời: Khoa có thông tin về các công ty chuyên về giải pháp mạng cũng như các doanh nghiệp, ngân hàng cần SV thực tập về mạng. Sinh viên nên theo dõi các thông tin thực tập để đăng ký.
7. Khi đăng ký chuyên ngành, nếu SV bị trượt nguyện vọng 1 và bị buộc phải học nguyện vọng 2 thì có thể học song song 2 nguyện vọng hay không?
- Trả lời: Có thể, tuy nhiên sinh viên phải hoàn thành hết tất cả các môn bắt buộc của nguyện vọng 2 thì mới được xét tốt nghiệp. Sinh viên có thể liên hệ Phòng đào tạo để biết thêm thông tin.
8. Khi đăng ký chuyên ngành, SV có được học chuyên ngành nào tùy ý thích hay không?
- Trả lời: SV được tùy ý chọn chuyên ngành nhưng kết quả tùy thuộc vào số lượng SV đăng ký vào chuyên ngành và điểm TBTL của SV. Tuy nhiên, sinh viên được phép đăng ký học bất cứ môn học nào mà Khoa có mở ở tất cả các chuyên ngành.
9. SV học trễ một học kỳ thì đăng ký chuyên ngành thế nào?
- Trả lời: SV phải đăng ký chuyên ngành vào đầu học kỳ 6 dù có học trễ hay không.
10. SV hệ sư phạm có phải đăng ký chuyên ngành hay không?
- Trả lời: SV hệ sư phạm không phân chuyên ngành.
1
1. Cách thức đăng ký chuyên ngành như thế nào? Điều kiện để được đăng ký ra sao?
- Trả lời: SV sẽ đăng ký chuyên ngành qua website của Khoa. Khoa sẽ thông báo thời gian cụ thể sau. Mọi SV học đến học kỳ 6 đều được đăng ký chuyên ngành.
12. Tại sao khoa không mở khóa luận mỗi kỳ một lần để tạo điều kiện cho sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp?
- Trả lời: Dựa trên chương trình đào tạo và tình hình thực tế, mỗi năm khoa chỉ xét làm luận văn 1 lần vào kì II. Mỗi khóa chỉ được xét 1 lần.
13. Hiện tại là sinh viên hệ sư phạm Công Nghệ Thông Tin thì chương trình đào tạo có sự khác biệt gì với kỹ sư Công Nghệ Thông Tin. Khi ra trường thì những công việc nào là phù hợp.
- Trả lời: Chương trình đào tạo của hệ sư phạm không có khác biệt lớn so với hệ kỹ sư, đa phần là học chung, chỉ riêng có một số môn chuyên về sư phạm để các bạn tiến hành lấy chứng chỉ sư phạm. Khi ra trường các bạn có thể giảng dạy tại các trường Trung Cấp Chuyên Nghiệp và Cao Đẳng. Nếu giảng dạy ở bậc Đại Học cần lấy thêm chứng chỉ Lý Luận sau Đại Học và bằng Triết Học.
14. Khoa có đào tạo sau đại học không? Nếu có thì sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học thì có được học ngay không? Cóđ iều kiện gì không?
- Trả lời: Hiện tại trong năm nay khoa đang tiến hành triển khai đào tạo sau đại học, khi nào có thông báo chính thức thì sẽ có nhữngđiều kiện rõ ràng cụ thể.
15. Em là sinh viên K12 sư phạm, xin cho em hỏi khi phân chuyên ngành, em có thể chọn mỗi chuyên ngành một vài môn để học miễn sao đủ tín chỉ quy định được không ạ, hay em phải chọn cố định một chuyên ngành và học đầy đủ các môn của chuyên ngành đó. Em xin chân thành cảm ơn !
- Trả lời: Vì em đã học hệ sư phạm, nên em cần phải học đầy đủ các môn học mà hệ kỹ sư SPKT CNTT quy định, và cũng không phải đăng ký chuyên ngành.
16. Nếu đã chọn chuyên ngành hệ thống thông tin mà lại chọn các môn học của ngành công nghệ phần mềm có được không?
- Trả lời: Bạn được phép chọn bất kỳ môn học nào của bất kỳ chuyên ngành nào để học. Tuy nhiên, do bạn đã chọn chuyên ngành HTTT nên chỉ những môn thuộc chuyên ngành này bạn mới được tín vào tín chỉ tích lũy để xét tốt nghiệp. Do đó, bạn nên chọn các môn thuộc chuyên ngành HTTT để học. Và bạn cũng có thể chọn các môn thuộc chuyên ngành khác để bổ sung, nâng cao kiến thức.
17. Theo chương trình mới, có nhiều môn chuyên đề trong chương trình đào tạo. SV có được lựa chọn học một chuyên đề mà SV thích hay không?
- Trả lời: Trong chương trình đào tạo của chuyên ngành HTTT, có nhiều chuyên đề để SV chọn học. Tuy nhiên, thường do số lượng SV đăng ký chuyên ngành này không nhiều. Hơn nữa, điều này tùy thuộc vào bộ môn phân công GV. Nếu GV phải dạy môn chuyên đề mà mình phụ trách. Do vậy, sẽ có sự khác nhau giữa các học kỳ, cụ thể là, học kỳ này dạy môn chuyên ngành A nhưng học kỳ này năm sau có thể là môn B. Do vậy, các SV nên chú tâm và bố trí thời gian học cho phù hợp.
18. Một số SV không thể đăng ký được tiểu luận chuyên ngành vì tất cả các đề tài đã bị đăng ký hết trước đó.
- Trả lời: Các SV muốn đăng ký GV nào hướng dẫn thì có thể tự liên hệ với GV và đăng ký trước đó (trước khi công bố đăng ký trên web khoa). Do đó, khi công bố trên web site thì đã có tên các SV đăng ký đề tài với GV trước đó. Trong trường hợp bạn không đăng ký được đề tài vì đã hết đề tài đăng ký. Bạn liên hệ trực tiếp với Khoa để được giải quyết. Hoặc liên hệ với một GV nào đó và GV đó sẽ ra thêm đề tài cho bạn.
19. Mối quan hệ giữa chuyên ngành Mạng máy tính với các chuyên ngành khác như thế nào ?
- Trả lời: Hệ thống thông tin có thể chia làm 3 đối tượng con người là người dùng (user), người lập trình (programmer) và người triển khai (implementer). Người dùng đặt ra các yêu cầu của mình (vd: quản lý bán hàng, quản lý bệnh viện, quản lý nhân sự,…) và người lập trình sẽ thực hiện viết ra chương trình theo yêu cầu (vd viết chương trình quản lý bán hàng,…).
+ Sau khi chương trình được viết xong, người triển khai sẽ triển khai ứng dụng đó trên hệ thống mạng. Triển khai sẽ bao gồm xây dựng hạ tầng truyền dẫn (mạng truy cập, mạng lõi), xây dựng hệ thống (cài đặt server Windows/Linux, cơ sở dữ liệu MSSQL/Oracle, ứng dụng,…), xây dựng hệ thống hỗ trợ (điện thoại IP, hệ thống giám sát mạng, hệ thống lưu trữ) và sau cùng là bảo mật và vận hành toàn bộ hệ thống. Chuyên Ngành Công nghệ phần mềm sẽ nghiên về hướng lập trình và chuyên ngành Mạng máy tính nghiên về hướng người triển khai.
20. Chuyên Ngành Mạng máy tính khoa đào tạo những gì?
- Trả lời: Chuyên ngành mạng máy tính của khoa hiện đào tạo những mảng chính sau:
-
Hạ tầng mạng truyền dẫn: Xây dựng, tư vấn, phát triển, bảo trì hệ thống mạng truyền dẫn, mạng lõi cho các doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ.
-
Hạ tầng thông tin: Xây dựng, tư vấn, phát triển, bảo trì hệ thống thông tin trên hạ tầng truyền dẫn đã được xây dựng.
-
Bảo mật hệ thống: Bảo vệ hệ thống, ngăn chặn tấn công, xâm nhâp, xây dựng, tư vấn, triển khai các chính sách bảo mật.
-
Lập trình nhúng
21. Em rất thích an ninh mạng, khi học chuyên ngành Mạng máy tính, em có được học về lĩnh vực này hay không ?
- Trả lời: Chuyên ngành Mạng máy tính của khoa đào tạo các mảng gồm Hạ tầng truyền dẫn, hạ tầng thông tin, Bảo mật hệ thống. Bình thường thì sau học các môn cơ sở ngành, các bạn sẽ định hướng theo hướng chuyên ngành mà mình thích. Tuy nhiên, tôi cũng hay nói với sinh viên của tôi là muốn học an ninh mạng tốt thì phải có một kiến thức về truyền dẫn và hệ thống thật tốt.
+ Khi tấn công một hệ thống, hacker có thể tấn công từ lớp vật lý (cắt dây, làm switch giả), hay lớp mạng (tạo router giả, cung cấp DHCP giả, tạo đường đi giả) hay lớp vận chuyển (TCP SYN attack, scan port), hay lớp ứng dụng (tấn công DNS, Web, FTP,…). Do đó, để bảo vệ một hệ thống, bạn phải nắm thật vững toàn bộ hệ thống chứ không chỉ một phần nào đó.
22. Em thích CNTT nhưng lập trình không được tốt. Các môn lập trình em chỉ đạt kết quả khá, em có thể học chuyên ngành Mạng máy tính hay không?
+ Trả lời: Thầy nghĩ quan trọng là đầu tiên em thích là được rồi, sau đó, em cố gắng thì sẽ thành công hơn thôi. Chuyên ngành Mạng máy tính đúng là không liên quan trực tiếp đến lập trình trừ mảng Lập trình nhúng. Ngành này liên quan nhiều đến xây dựng hạ tầng, vận hành và bảo vệ. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không đòi hỏi em phải có tư duy logic tốt, nhanh nhạy và chịu khó. Khi phát triển đến mức chuyên nghiệp, các kỹ sư mạng đều cần viết các chương trình quản lý tự động (scripting) để vận hành hệ thống. Do đó, thực sự thành công trong ngành này, em cũng cần kỹ năng lập trình.
+ Thầy cũng hay nói với sinh viên của mình là các bạn bỏ thói quen sợ lập trình. Thật ra lập trình rất thú vị, nó là cuộc nói chuyện giữa người và máy sử dụng một ngôn ngữ mà cả hai bên đều hiểu. Và yên tâm là máy luôn hoạt động đúng các yêu cầu của bạn, điều quan trọng là bạn phải đưa ra yêu cầu cho đúng mà thôi.
23. Xin vui lòng cho em biết cơ hội việc làm khi em học xong chuyên ngành mạng?
- Trả lời: Hiện nay, Mạng máy tính là hạ tầng cho mọi ngành nghề khác do đó cơ hội việc làm khá rộng. Em có thể làm trong các cơ quan, công ty, có hệ thống mạng, các ứng dụng riêng của mình như các ngân hàng, cơ quan báo chí, bệnh viện, trường học,… Ngoài ra, em có thể làm việc tại các cơ quan chuyên về mạng như cung cấp hạ tầng truyền dẫn (như FTP, VIETTEL, VDC, CMC…), hay các công ty tích hợp hệ thống – System Integration (như FTP, HPT, GreenNet, Sao Bắc Đẩu,…).
+ Hầu hết các doanh nghiệp, công ty đều ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của mình. Các ứng dụng này ngày nay đều là các ứng dụng qua mạng. Có thể hiểu nôm na là ngành mạng máy tính là ngành xây dựng hạ tầng truyền dẫn, vận hành các ứng dụng và bảo vệ các hệ thống.
+ Các sinh viên chuyên ngành Mạng máy tính của khoa đã tốt nghiệp hoặc thực tập tại hầu hết các công ty có nhu cầu về mạng như FPT, HPT, Vinagame, HSBC, SPT, ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật, Cao đẳng Đông An,…
24. Thu nhập của các anh chị tốt nghiệp ngành này như thế nào? Em rất mong muốn có thu nhập ổn định để giúp đỡ gia đình và các em đi học đại học khi ba mẹ đã lớn tuổi.
+ Theo thông tin không chính thức hằng năm của bộ môn về việc sinh viên tốt nghiệp, mức lương và một số thông tin khác. Các bạn tốt nghiệp mạng máy tính học về kỹ thuật sẽ có mức lương khá tốt khoảng 5-6 triệu/tháng. Sau khi đã có kinh nghiệp (1-2 năm), các bạn có thể đạt 7-10 triệu hoặc hơn. Một số trường hợp, các bạn chỉ sau hai năm đã đạt lương 20 triệu/tháng.
+ Khác với các ngành khác, ngành kỹ thuật thường có mức lương trung bình tương đối cao nhưng không có độ vọt lố như các ngành khác. Mức lương khá ổn định, tăng theo hằng năm. Do đó, nếu em muốn hỗ trợ gia đình là điều hoàn toàn có thể. Chú ý một số bạn sinh viên ngành mạng máy tính đã đi làm từ cuối năm thứ hai, có mức lương 3-4 triệu/tháng và các bạn này đạt mức lương rất tốt khi ra trường.
25. Chuyên ngành mạng máy tính với Quản trị mạng có giống nhau không?
+ Hệ thống mạng doanh nghiệp thường được cấu thành bởi ba phần cốt lõi. Đó là hạ tầng cơ sở mạng, hệ điều hành và các ứng dụng, dịch vụ. Mỗi phần được phát triển và cung ứng thiết bị bởi một hãng công nghệ riêng biệt. Hãng Cisco, Juniper, O2 dẫn đầu về thiết bị và công nghệ ở mảng cơ sở hạ tầng. Hãng Microsoft, Linux, IBM chiếm thị phần lớn về hệ điều hành. Các dịch vụ ứng dụng cơ sở dữ liệu thì có Oracle, Microsoft SQL…Trong mỗi phần kể trên lại được được phân chia thành nhiều mảng nhỏ bên trong.
+ “Mạng máy tính” là một cụm từ chung chỉ về một ngành nghề trong lĩnh vực CNTT. Nó bao gồm công việc của một quản trị viên trên các thiết bị Cisco, quản trị viên Windows, quản trị viên về web server, về cơ sở dữ liệu….Vì vậy, để được “bước” vào nghề và làm nghề, chúng ta chỉ cần am tường, giỏi ở một mảng nhất định.
+Tại các công ty lớn, công ty đa quốc gia, đặc biệt là các công ty ứng dụng rộng rãi CNTT vào hoạt động như ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm, hàng không, thương mại điện tử thì quản trị mạng thường là một phòng ban với nhiều chuyên viên. Tại đây, mỗi chuyên viên sẽ phụ trách một mảng chuyên biệt, và chịu trách nhiệm về mọi vấn đề liên quan đến phạm vi được phân công quản lý, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp hóa trong giải quyết công việc và đưa CNTT thành “xương sống” trong hoạt động của doanh nghiệp.
Cũng cần lưu ý, khi nói đến “Quản trị mạng”, người nghĩ nhiều đến quản trị (management) hay vận hành (operation). Nhưng thực tế, trong mạng máy tính cũng như các ngành kỹ thuật khác bao gồm phân tích (concept), tư vấn thiết kế (design), thiết lập (implementation), vận hành (operation). Do đó, có thể nói “Chuyên ngành mạng máy tính với Quản trị mạng” là giống nhau nhưng nói một cách chính xác thì ngành mạng máy tính mang ý nghĩa rộng và bao quát hơn.
26. Có phải những môn CHUYÊN NGÀNH của hệ kỹ sư (Bảo mật web, Thiết kế phần mềm hướng đối tượng, Lập trình di động, Cơ sở dữ liệu phân tán,...) và những môn NGÀNH của hệ kỹ sư (Điện toán đám mây, Hệ thống nhúng,...) đều là những môn CNTT TỰ CHỌN của hệ sư phạm? Ví dụ: không học những môn NGÀNH (Điện toán đám mây, Hệ thống nhúng) mà thay vào đó học những môn CHUYÊN NGÀNH thì có được hay không?
- Trả lời: Em được phép tự chọn các môn học cho mình. Em xem kỹ thêm trong file chương trình đào tạo trên web Khoa. Có quy định những môn em được chọn.
27. Ở học kì thứ 6, các bạn phân chuyên ngành thì có môn tự chọn và môn bắt buộc. Còn em học bên sư phạm, tất cả các môn đều ghi là tự chọn, vậy em được chọn môn nào cũng được phải không? và em cần phải học bao nhiêu môn để đủ chỉ, có phải 10 môn không ạ?
- Trả lời: Đối với các em sinh viên ngành Sư phạm thì việc các em chọn học các môn tự chọn thì theo hai hướng như sau:
1. Các em muốn theo hướng (Công Nghệ Phần Mềm, Mạng máy tính, Hệ thông tin) nào thì chọn các môn của hướng đó. Hoặc các em có quyền chọn các môn theo nhiều hướng miễn sao đủ số tín chỉ tích luỹ cho chương trình đào tạo của mình khác với các sinh viên hệ kỹ sư.
2. Không phải môn tự chọn cũng mở được lớp tuỳ theo tình hình giảng viên nên thường khoa sẽ chọn cho các em học những môn có đội ngũ giảng viên đáp ứng được môn học.