Trước nhu cầu toàn cầu hóa và cải tiến giáo dục, vào ngày 08/11/2024, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã tổ chức hội thảo "Xây dựng các chương trình đào tạo đại học giảng dạy bằng tiếng Anh theo hướng tích hợp và hội nhập quốc tế". Hội thảo là dịp để đánh giá tổng quan các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh hiện tại, đồng thời đưa ra những đề xuất mới để nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Tham dự hội thảo có PGS. TS. Lê Hiếu Giang - Quyền Hiệu trưởng, PGS. TS. Châu Đình Thành - Phó Hiệu trưởng, TS. Quách Thanh Hải - Phó Hiệu Trưởng, PGS. TS. Võ Viết Cường - Trưởng Phòng Đào tạo, PGS. TS. Trương Đình Nhơn - Trưởng Khoa Đào tạo Quốc tế, PGS. TS. Trương Nguyễn Luân Vũ - Trưởng khoa Cơ khí máy, TS. Đàng Quang Vắng - Trưởng Khoa Kinh tế cùng với đại diện BCN các khoa, trưởng bộ môn các ngành xây dựng chương trình đào tạo ĐH giảng dạy bằng tiếng Anh.
Đại diện lãnh đạo HCMUTE tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Lê Hiếu Giang nhấn mạnh rằng tiếng Anh là kỹ năng thiết yếu cho người lao động trong kỷ nguyên hội nhập. Ông khẳng định rằng việc triển khai các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh không chỉ nhằm phát triển năng lực ngôn ngữ cho sinh viên mà còn tạo nền tảng cho các kỹ năng chuyên môn, giúp họ đáp ứng tốt các yêu cầu của nền kinh tế tri thức. Ông cũng nhấn mạnh rằng trong bối cảnh thế kỷ XXI, phương pháp học tập của sinh viên đã thay đổi đáng kể, đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải liên tục đổi mới để đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển của họ.
PGS. TS. Trương Đình Nhơn - Trưởng Khoa Đào tạo Quốc tế đã trình bày báo cáo đánh giá 13 chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh hiện có tại khoa. Báo cáo đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của các chương trình này, đồng thời đề xuất các hướng phát triển trong thời gian tới. Ông cũng nhấn mạnh rằng các chương trình phải tạo động lực học tập cho sinh viên và đạt được các mục tiêu đầu ra theo chuẩn quốc tế.
PGS. TS. Trương Đình Nhơn - Trưởng Khoa Đào tạo Quốc tế trình bày báo cáo đánh giá tại hội thảo
Ngoài ra, PGS. TS. Trương Nguyễn Luân Vũ - Trưởng khoa Cơ khí Máy, và TS. Đàng Quang Vắng - Trưởng Khoa Kinh tế, đã chia sẻ những định hướng phát triển chương trình cho các chuyên ngành của mình. Họ nhấn mạnh rằng việc giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận tài liệu quốc tế và có lợi thế khi làm việc trong môi trường đa văn hóa.
PGS. TS. Trương Nguyễn Luân Vũ - Trưởng khoa Cơ khí Máy chia sẻ tại hội thảo
PGS. TS. Võ Viết Cường - Trưởng phòng Đào tạo đã trình bày báo cáo tham luận Xây dựng dựng chương trình đào tạo đại học giảng dạy bằng tiếng Anh theo hướng tích hợp và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Chương trình định hướng liên thông kỹ sư & thạc sĩ được xây dựng đồng bộ và có tính hệ thống, từ trình độ cử nhân/kỹ sư đến thạc sĩ, đảm bảo tính linh hoạt, cho phép người học tự chủ trong tiến độ học tập phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân. Đồng thời, chương trình còn rút ngắn thời gian để đạt được bằng kỹ sư và thạc sĩ, cho phép sinh viên đăng ký học và tích lũy tín chỉ của các môn học ở trình độ thạc sĩ từ năm 3 hoặc năm 4 khi đang học đại học.
PGS. TS. Võ Viết Cường - Trưởng phòng Đào tạo trình bày báo cáo tham luận
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã nêu lên những thách thức và giải pháp liên quan đến việc thiết kế chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Các ý kiến đóng góp xoay quanh việc cải thiện nội dung và phương pháp giảng dạy tiếng Anh, từ tiếng Anh cơ bản đến tiếng Anh chuyên ngành. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết lập những phương pháp giảng dạy mới và việc tích hợp tín chỉ giúp sinh viên tiếp thu kiến thức hiệu quả và có động lực học tập hơn.
Một số ý kiến đóng góp tại hội thảo
Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với nhiều đề xuất cải tiến cụ thể, mở ra hướng đi mới trong công tác đào tạo đại học. Đây là nỗ lực của nhà trường nhằm xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, chất lượng cao, giúp sinh viên không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn thành thạo tiếng Anh, đáp ứng tốt các yêu cầu của thời đại hội nhập quốc tế.
Tin bài: Thanh Nhi
Ảnh: Thái Bảo