Nhằm nâng cao sự gắn kết giữa trường và doanh nghiệp, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, cung cấp các giải pháp về kỹ thuật, các ý tưởng mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên, cung cấp nhân lực cho các dự án thực tế, sáng ngày 9/5/2018, trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP HCM đã tổ chức hội thảo “Đổi mới quan hệ nhà trường – doanh nghiệp đáp ứng cuộc cách mạng số” tại phòng họp 2 với sự tham gia của đại diện 39 công ty, tổ chức và doanh nghiệp cùng với các đại biểu khách mời.
Phát biểu khai mạc và định hướng thảo luận, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Bí thư Đảng ủy Hiệu trưởng nhà trường đề cập đến đầu tiên lànhững thành tích mà thầy và trò trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM đã đạt được trong năm vừa rồi, tiêu biểu là tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên trường năm vừa qua cho thấy 60% sinh viên chưa ra trường đã có việc làm, 96% có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp và trường luôn năm trong top trường có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nhất Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính là nhờ vào sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với sinh viên và nhà trường qua các buổi hội thảo, giới thiệu sinh viên thực tập, ngày hội việc làm.
Tại Hội thảo, Bà Trần Thị Thu Huyền – Phó trưởng phòng Quan Hệ Doanh Nghiệp trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP HCM nêu rõ những hoạt động chính của phòng từ năm 2014 đến nay bao gồm “Hoạt động tuyển dụng – việc làm; Tổ chức các lớp Kỹ năng mềm, hội thảo chuyên môn; Kết nối với doanh nghiệp; Tham quan – tài trợ”,… đã mang lại những hiệu quả, thành tựu to lớn. Nổi bật trong đó là việc HCMUTE là trường ĐH đầu tiên tổ chức “Tuần lễ tuyển dụng” 2 lần trong năm vào khoảng thời gian tốt nghiệp của sinh viên với sự tham gia của 55 doanh nghiệp/năm. Liên tục tốt chức các của hội thảo chuyên môn, kỹ năng mềm dựa trên đánh giá của doanh nghiệp và sinh viên để mời các chuyên gia trong từng lĩnh vực tới để chia sẻ những kỹ năng chuyên môn cần thiết để hỗ trợ trong việc học và việc làm sau này.
TS. Lê Tấn Cường -Phó trưởng Phòng Khoa học công nghệ trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP HCM đề cập đến các hoạt động nghiên cứu công nghệ và chuyển giao công nghệ của phòng đến các doanh nghiệp từ ý tưởng đến sản giúp công ty, doanh nghiệp có những bước đột phá trong thời đại số. Từ thành công của hoạt động này cùng với các nghiên cứu khoa học của sinh viên và giảng viên trong trường, từ năm 2012 đến nay, trường đã thành lập 12 nhóm nghiên cứu trọng điểm nhằm đẩy mạnh những tiềm năng, thế mạnh của các đề tài mang tính dài hơi, để cạnh tranh, đấu thầu với các đề tài cấp Tỉnh, cấp Bộ, cấp Nhà nước. Đến với hội thảo TS. Lê Tấn Cường mong muốn các doanh nghiệp sẽ tìm thấy được những thế mạnh của trường từ đó kết nối, giao lưu cùng phát triển trong thời đại công nghiệp ngày nay.
Hội thảo còn vinh dự đón tiếp và có bài tham luận của đại diện đến từ tổ chức USAID-COMET, ông Khemratch Amornwatpong -partnership manager. Ông mang đến những cái nhìn mới lạ từ dự án USAID COMET - một dự án của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ hỗ trợ các nước được tài trợ cải cách giáo dục Đại học nhằm đào tạo các thế hệ sinh viên hội tụ các kỹ năng cần thiết, sẵn sàng cạnh tranh trong thị trường lao động thời kỳ toàn cầu hóa.
Ông Lê Minh Trung (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp TP.HCM) đề xuất trường ĐH cần có cơ sở dữ liệu về đội ngũ chuyên gia, giảng viên, từ đó hình thành cộng đồng chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp. Hệ thống chung này cũng để quản lý sinh viên đã và sắp tốt nghiệp, là nơi đưa các sản phẩm sinh viên đang nghiên cứu lên để doanh nghiệp dễ tiếp cận.
Kết thúc buổi hội thảo là Lễ kí kết giữa ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM với Công ty TNHH Giả Pháp Phần Mềm Tường Minh, Công Ty cổ phần MISA, Hiệp Hội Gỗ Bình Dương, Công Ty Năng Lượng Môi Trường Viễn Đông.
Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS. TS Đỗ Văn Dũng ghi nhận những ý kiến, những sáng kiến, những đóng góp của các doanh nghiệp, và từ đó trên cơ sở Win-Win cùng nhau hợp tác, đồng hành và phát triển để đón đầu cuộc cách mạng số trên toàn cầu.