Là cuộc thi thương hiệu đầu tiên của sinh viên thuộc câu lạc bộ nghiên cứu khoa học ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, ARMBOT UTE CONTEST (UAC) 2016 được tổ chức bởi CLB và sự phối hợp của Khoa Đào tạo Chất lượng cao đánh dấu bước đầu khẳng định tên tuổi và tầm quan trọng của CLB trong việc nghiên cứu và ứng dụng KHKT trong sinh viên trường.
Cuộc thi là một sân chơi mới với mục đích đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên toàn trường; tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, thiết thực cho toàn thể Đoàn viên, sinh viên tham gia đồng thời tạo cơ hội cho sinh viên thể hiện niểm đam mê, phát huy sự sáng tạo, trau dồi kiến thức chuyên ngành, nâng cao tay nghề, cọ sát học hỏi, nâng cao trình độ về ứng dụng robot, giải thuật điều khiển, vi điều khiển trong cuộc sống. Thông qua đó, phát hiện và đào tạo những tài năng tương lai với hy vọng mang tên trường vươn ra biển lớn.
Với sự tài trợ của 3 đơn vị: Trung tâm Đào tạo Việt Nhật Vject, Công ty Sankyo, với công ty TNHH Miocen và sự tham gia của gần 50 đội thi, sau thời gian thi đấu các vòng loại BTC đã chọn ra được 16 đội xuất sắc bước vào vòng chung kết (đấu loại trực tiếp) diễn ra lúc 14g tại sân vận động trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh.
Đại biểu tham dự cuộc thi
Đến tham dự chương trình có sự hiện diện của PGS.TS Trần Thu Hà – GĐ trung tâm đào tạo và hướng nghiệp Việt Nhật – Vject, Bà Đặng Thị Hương Lan – GĐ công ty TNHH Miocen, Ông Henry Tấn Phạm – GĐ Công Ty Sankyo, Ông Cao Đình Ngân – GĐ Công ty Viettel chi nhánh Thủ Đức, Bà Nguyễn Thị Nhi – Anh ngữ Úc Châu chi nhánh Thủ Đức đại diện các đơn vị tài trợ; Thầy Đặng Bá Ngoạn – Phó Bí thư Đoàn trường, PGS.TS Đỗ Thành Trung – Phó Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ , Cô Nguyễn Phương Thuý – GĐ Trung tâm DVSV, Thầy Nguyễn Văn Long Giang – Phó Trưởng khoa Đào tạo Chất lượng cao, cùng các thầy cô các phòng ban, thầy cô và sinh viên khoa Đào tạo Chất lượng cao khóa 2016 cũng như các em sinh viên trong trường. Bên cạnh đó còn có sự quan tâm và đưa tin của báo Tuổi Trẻ Tp. HCM và báo Khám phá.
Các chú Robot đã sẵn sàng…
Mỗi đội gồm 2 đến 4 thành viên, tự thiết kế và chế tạo một Armbot để tham dự cuộc thi. Armbot có để hoạt động thông qua các phương thức điều khiển như: Bộ điều khiển không dây, có dây, điện thoại, công nghệ haptic,… với khối lượng tối đa của robot không được quá 10 kg. Có tất cả 6 bóng Tennis cho mỗi đội. Sau khi lấp đầy 5 tầng dưới cùng của Kim tự tháp, Armbot được phép tiến hành nhiệm vụ cuối cùng tại đỉnh của Kim tự tháp. Ở nhiệm vụ này, Armbot của mỗi đội được phép tranh chấp để hoàn thành nhiệm vụ. Đội thả được bóng lên đỉnh Kim tự tháp trước là đội giành chiến thắng. Chiến thắng này được gọi là “Pyramid”. Thời lượng tối đa cho mỗi trận đấu là 3 phút.
Thi đấu căng thẳng để đưa bóng lên đỉnh kim tự tháp
Sau các trận đấu căng thẳng và đầy kịch tính, cuộc thi đã tìm ra những chú robot xuất sắc nhất tranh giải của cuộc thi như sau:
Giải I thuộc về đội Infinity; Giải II trao cho đội AR15; Giải III được ghi tên CKM-VHTB; Giải IV dành cho 2 đội Dream 2 và Phoenix. Các giải phụ:
+ Giải Ý tưởng: đội Dầu cái lân
+ Giải Công nghệ: đội SPK HV
+ Giải Thiết kế: đội EUREKA.
Các đội xuất sắc nhận giải thưởng
Dù mới tổ chức lần đầu tiên những cuộc thi đã thu hút được đông đảo sinh viên tham gia thi và quan tâm cổ vũ. Điều đó chứng tỏ niềm đam mê kỹ thuật của sinh viên HCMUTE đã được khơi động tại sân chơi mới này, làm đa dạng thêm những hoạt động nghiên cứu sáng tạo kỹ thuật của sinh viên trường trên con đường vươn lên cao và xa hơn nữa.
Anh Ngữ Úc Châu dành tặng học bổng 4.000.000đ cho sinh viên SPKT
Viettel tặng sách trị giá 15.000.000đ cho sinh viên SPKT
Giáng Tiên