Sau gần 6 tháng miệt mài nghiên cứu và thực nghiệm, TS. Phan Thị Anh Đào – GV Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm cùng sự hỗ trợ của nhóm sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học đã thành công nghiên cứu đề tài “Nuôi tôm thẻ hiệu quả với chế phẩm Polyphenol từ hạt bơ”.
Nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm – trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM do TS. Phan Thị Anh Đào làm chủ nhiệm đề tài đã thu mẫu hạt bơ tươi, trích polyphenol và điều chế chế phẩm polyphenol. Polyphenol được bổ sung vào thức ăn không chỉ thể hiện vai trò chống oxy hóa là ngăn chặn oxy hóa lipid, protein, đảm bảo giá trị dinh dưỡng và thời gian bảo quản của thức ăn, mà còn có vai trò tăng cường miễn dịch, giảm stress, từ đó kích thích tăng trưởng, tăng khối lượng và tỷ lệ sống ở vật nuôi, thủy sản. Ngoài ra, nhóm cũng đã chuyển giao 3kg chế phẩm để Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện nuôi tôm thẻ.

Trích ly chế phẩm Polyphenol từ hạt bơ
Ưu thế của chế phẩm polyphenol từ hạt bơ là ở dạng bột, công thức phối trộn đơn giản, dễ sử dụng, đặc biệt có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các bệnh liên quan tới vi khuẩn Vibrio parahaematolycus.

Chế phẩm Polyphenol
Thức ăn sau khi đã trộn chế phẩm polyphenol theo liều lượng được đem ra trải lớp mỏng trong khay và dùng quạt để quạt gió làm cho viên thức ăn được khô ráo, sau đó cho thức ăn vào túi nhựa hoặc hủ nhựa giữ kín đem đi bảo quản trong tủ đông và sử dụng trong thời gian cho tôm ăn. Nếu trộn lượng thức ăn đủ để cho tôm ăn trong ngày thì không nhất thiết bảo quản trong tủ đông mà chỉ cần để nơi khô ráo, thoáng mát.
TS. Phan Thị Anh Đào chia sẻ “Hạt bơ chứa nguồn polyphenol cao với các nhóm hợp chất đa dạng, thể hiện nhiều hoạt tính sinh học có giá trị cao và có thể sử dụng như các phụ gia thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, hạt bơ trong nước là nguồn phụ phẩm chưa được tận dụng, và là “phiền toái” ở các nhà máy chế biến bơ đông lạnh, dầu bơ, mỹ phẩm. Hiện nay, khai thác và ứng dụng nguyên liệu hạt bơ nhằm tạo ra chế phẩm chứa polyphenol trên thương mại là hoàn toàn mới, hứa hẹn một nguồn nguyên liệu tiềm năng.”

Tôm sau 60 ngày nuôi với chế phẩm Polyphenol
Tổng hợp các kết quả về tỷ lệ sống của tôm nuôi ở các nghiệm thức trong 60 ngày nuôi (bao gồm 45 ngày nuôi bình thường và 15 ngày nuôi trong môi trường chứa vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus với liều là 4,68 x 106 CFU/ml), là khi bổ sung 750 và 1.000ppm polyphenol vào thức ăn, tỷ lệ sống của tôm tăng 20 - 22%. Điều này cho thấy tiềm năng của chế phẩm rất lớn, cần thiết cho ngành nuôi trồng tôm thẻ nói riêng và ngành thủy sản Việt Nam nói chung.
TS. Phan Thị Anh Đào chia sẻ thêm “Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm đã gặp một vài khó khăn về thiết bị, máy móc khi phát triển đề tài ở quy mô pilot. Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng đã hạn chế thời gian khảo sát thực tế của nhóm. Tuy nhiên, những điều này đã không làm ảnh hưởng nhiều đến đề tài, khi kết quả thu được đã minh chứng cho sự tiềm năng của chế phẩm polyphenol trong thực tiễn.”
Tin chắc rằng, đây là hướng đi phù hợp với xu thế sử dụng các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên nhằm tăng cường miễn dịch, tăng tỷ lệ sống, giảm thiểu hoặc loại bỏ dần sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm hạt bơ, góp phần nâng cao giá trị của quả bơ và giảm áp lực cho môi trường.
Tin: Bích Hồng