Sáng 30/11/2017, Hội thảo 'Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi giáo dục' do diễn giả TS. Phạm Ngọc Anh Huy, phụ trách chương trình giáo dục Microsoft Việt Nam trình bày, đã diễn ra tại hội trường lớn Đại học Sư phạm Kỹ thuật.
Trước sự thay đổi nhanh chóng của KH&CN, đặc biệt chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mang công nghiệp 4.0, cơ hội rất lớn nhưng thách thức cũng ko hề nhỏ, trong đó có yếu tố con người. Chính vì vậy, Nhà trường đã tổ chức buổi hội thảo với sự tham gia của đông đảo thầy cô, CBVC trường và sinh viên trường.
Bên cạnh mong muốn cán bộ, giảng viên, sinh viên trường thay đổi tư duy, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của nhà trường, Hội thảo còn mang đến các nội dung như Microsoft với giáo dục thế kỷ 21 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Chuyển đổi kỹ thuật số ở bậc đại học và ứng dụng Office 365 hiệu quả trong quản lý, giảng dạy học tập; Giới thiệu cộng đồng giáo viên sáng tạo Microsoft, trang phát triển năng lực đội ngũ giáo viên và kết nối giáo viên toàn cầu; Các chương trình và tài nguyên cho giảng viên, sinh viên ngành CNTT (Optional).
Trình bày tại hội thảo TS. Phạm Ngọc Anh Huy, phụ trách chương trình giáo dục Microsoft Việt Nam tỏ ra ấn tượng với sự tiếp thu nhiệt tình và chủ động đặt vấn đề của các em sinh viên trường ĐH SPKT.
Năm 2013, một từ khóa mới là “Công nghiệp 4.0” (Industrie 4.0) bắt đầu nổi lên xuất phát từ một báo cáo của chính phủ Đức đề cập đến cụm từ này nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục nhắc tới Industrie 4.0 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos tháng 1/2015.
Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất và phương pháp quản trị “các nhà máy thông minh”, “công sở và thành phố thông minh” được kết nối in-tơ-nét, liên kết với nhau thành một hệ thống thay vì các dây chuyền sản xuất và phương pháp quản trị hành chính trước đây. Nhờ khả năng kết nối bằng máy tính, các thiết bị di động tiếp cận với các cơ sở dữ liệu lớn từ nhiều nguồn, những tính năng xử lý thông tin được nhân lên nhờ những đột phá về công nghệ bằng trí tuệ nhân tạo, người máy, công nghệ in 3D, công nghệ na-nô, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, công nghệ vật liệu mới,…
Tin: NLy - GT