BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG ĐH SƯ PHẠM KỸ THUẬT Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Số:357/HD/ĐHSPKT/CTHSSV
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 8 năm 2014
HƯỚNG DẪN
V/V THỰC HIỆN QUY ĐỊNH MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ
Kính gửi: CÁC ĐƠN VỊ
-------------------
Căn cứ Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015;
Căn cứ Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2010 của Liên Bộ Giáo dục & Đào tạo-Tài chính-Lao động Thương binh & Xã hội Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/5/2014 của Liên Bộ Giáo dục & Đào tạo-Tài chính-Lao động Thương binh & Xã hội Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP;
Hiệu trưởng hướng dẫn việc thực hiện chế độ miễn, giảm học phí từ học kỳ I/2014-2015 đối với học sinh, sinh viên (HSSV) đại học, cao đẳng, TCCN hệ chính quy như sau:
1. Quy định về miễn, giảm học phí
- Việc miễn, giảm học phí cho HSSV được thực hiện tại trường nơi HSSV đang học tâp. Nhà nước thực hiện cấp bù học phí trực tiếp cho nhà trường để nhà trường thực hiện chế độ miễn, giảm học phí cho HSSV thuộc đối tượng miễn, giảm học phí.
- Việc cấp bù học phí căn cứ số lượng người học thực tế thuộc diện được miễn, giảm học phí và mức thu học phí (mức cấp bù học phí cho các trường theo khung học phí của từng nhóm ngành được quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ).
- HSSV thuộc diện được miễn, giảm học phí phải nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định để được nhà trường xét, cho hưởng chế độ miễn, giảm học phí.
- Việc xét miễn, giảm học phí cho HSSV được tiến hành theo học kỳ. HSSV hoàn tất hồ sơ xét miễn, giảm học phí ở học kỳ nào thì được hưởng miễn, giảm học phí ở học kỳ đó. Không giải quyết truy hưởng miễn, giảm học phí của các học kỳ trước.
- Chỉ áp dụng chế độ miễn, giảm học phí cho HSSV thuộc diện được miễn, giảm học phí đối với môn học lần đầu và trong khung chương trình đào tạo.
- HSSV thuộc diện được miễn, giảm học phí mà cùng một lúc học ở nhiều trường (hoặc nhiều khoa trong cùng một trường) thì chỉ được hưởng chế độ ưu đãi về miễn, giảm học phí tại một trường duy nhất.
- Không áp dụng chế độ ưu đãi về miễn, giảm học phí đối với HSSV thuộc diện được miễn, giảm trong trường hợp đã hưởng chế độ này tại một cơ sở đào tạo, nay tiếp tục học thêm ở một cơ sở đào tạo khác cùng cấp và trình độ đào tạo.
2. Đối tượng được miễn học phí
a. Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng Lao động trong kháng chiến; con của liệt sỹ; con của thương binh, bệnh binh; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
b. HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa.
c. HSSV bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế.
d. HSSV là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
e. HSSV là người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn (nước ta có 16 dân tộc rất ít người có dân số dưới 10.000 người gồm:
La Ha, La Hủ, Pà Thèn, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Ngái, Si La, Pú Péo, Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu).
f. Sinh viên sư phạm (
SV học chương trình đào tạo giáo viên kỹ thuật)
3. Đối tượng được giảm 50% học phí: HSSV là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.
4. Yêu cầu về hồ sơ xét miễn, giảm học phí
a. HSSV thuộc diện miễn, giảm học phí nộp một bộ hồ sơ gồm:
- Đơn xin miễn, giảm học phí (mẫu của trường);
- Bản sao giấy khai sinh;
- Giấy chứng nhận do phòng Lao động – Thương binh & xã hội cấp huyện cấp (đối tượng mục 2.a); Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối tượng mục một 2.b); Giấy xác nhận của bệnh viện cấp huyện hoặc Hội đồng xét duyệt cấp xã công nhận (đối tượng mục hai 2.c); Sổ, giấy chứng nhận hộ nghèo hoặc cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp (đối tượng mục 2.d); Giấy chứng nhận dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn của Ủy ban dân tộc cấp tỉnh (đối tượng mục 2.e); Sổ hưởng trợ cấp hàng tháng do tổ chức bảo hiểm xã hội cấp (đối tượng mục 3).
HSSV nộp bản sao có công chứng giấy tờ nói trên (thời gian công chứng chưa quá một năm tính đến ngày nộp hồ sơ), kèm bản chính để đối chiếu.
b. Một số chú ý:
- HSSV thuộc đối tượng 2.d phải làm hồ sơ mới cho từng học kỳ; các đối tượng còn lại, hồ sơ làm một lần dùng cho cả khóa.
- HSSV diện miễn, giảm học phí tạm dừng học tập, khi xin học trở lại phải làm đơn xin tiếp tục hưởng chế độ miễn, giảm học phí (đơn theo mẫu chung và ghi rõ diện tạm dừng, nay xin học trở lại).
- Sinh viên sư phạm có hướng dẫn riêng.
5. Tổ chức thực hiện
a. Thời gian và địa điểm HSSV nộp hồ sơ xét miễn, giảm học phí.
- Học kỳ I: HSSV nộp hồ sơ xét miễn, giảm học phí tại văn phòng khoa/TT quản HSSV trong thời gian từ đầu học kỳ I đến hết tháng 10 hàng năm.
- Học kỳ II: HSSV nộp hồ sơ xét miễn, giảm học phí tại văn phòng khoa/TT quản HSSV trong thời gian từ đầu học kỳ II đến hết tháng 4 hàng năm.
b. Trách nhiệm của các đơn vị.
- Các khoa/TT quản HSSV: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và lập danh sách từng loại, kèm hồ sơ gốc chuyển về phòng Công tác HSSV trong thời gian sau 15 ngày hết hạn thu hồ sơ với mỗi học kỳ.
- Phòng Công tác HSSV: Chủ trì việc xét hồ sơ miễn, giảm học phí & trình Hiệu trưởng danh sách HSSV được miễn, giảm học phí từng học kỳ.
- Phòng Kế hoạch – Tài chính: Chủ trì việc thực hiện nhận kinh phí cấp bù học phí từ Bộ Giáo dục & Đào tạo.
c. Thời gian đóng học phí của HSSV diện miễn, giảm học phí: HSSV thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí đóng học phí vào đợt 2 của mỗi học kỳ.
d. Hiệu lực thi hành
- Hướng dẫn này có hiệu lực thi hành từ học kỳ I/2014-2015, các hướng dẫn trước đây trái với nội dung hướng dẫn này đều bãi bỏ.
- Thông báo này được phổ biến đến các đơn vị, HSSV biết để thực hiện.
HIỆU TRƯỞNG
(Đã ký)
Nơi nhận:
- BGH;
- Các đơn vị;
- Lưu CT HSSV.
PGS.TS. ĐỖ VĂN DŨNG