Cuộc thi Thử thách Sáng tạo YSEALI chủ đề lương thực thế giới sẽ tiếp nhận những sáng kiến công nghệ nhằm giải quyết những thách thức phức tạp nhất của khu vực trong các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và ngư nghiệp. Cuộc thi được phát động sau thông báo của tổng thống Barack Obama về chương trình Thử Thách Sáng tạo YSEALI trong Hội Nghị thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Sunnylands, California.
Là một phần của YSEALI – sáng kiến đi đầu của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc kết nối giới trẻ Đông Nam Á, cuộc thi Thử Thách Sáng tạo sẽ thúc đẩy và củng cố sự phát triển khả năng lãnh đạo và kết nối mạng lưới trong khu vực Đông Nam Á hướng tới các thủ lĩnh trẻ trong độ tuổi 18-35 đến từ Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Vượt qua hơn 200 giải pháp của hơn 200 nhóm dự thi (Việt Nam có 35 nhóm tham gia) đến từ 9 nước ASEAN (trừ Brunei), hai đội Cactus SPKT và Nothing Impossible của ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp. HCM xuất sắc là 2 trong 10 nhóm được chọn từ 20 nhóm ở vòng tứ kết để vào thẳng bán kết, đã vinh dự và tự hào đại diện cho trí tuệ và đam mê trẻ của Việt Nam chuẩn bị theo đoàn đến Singapore vào ngày 02/7 sắp tới tham gia trại tập huấn được huấn luyện bởi 2 tập đoàn hàng đầu về khoa học công nghệ: Cisco và Intel. Tại đây các đội được tập huấn về kỹ năng để ứng dụng và tối ưu hóa các giải pháp của mình. Sau đó cuộc thi sẽ tìm ra 3 đội bước vào chung kết. Phần thưởng cho ba đội thắng cuộc sẽ là một chuyến thăm quan học tập tới các trung tâm công nghệ tại Hoa Kỳ và một chuyến tham quan thủ đô Washington, D.C.
Đội Cactus SPKT bao gồm 3 thành viên do cô Dương Cẩm Tú – giảng viên khoa Điện – điện tử hướng dẫn. Cactus SPKT dự thi với mô hình thiết bị phát triển từ cây xương rồng. Ý tưởng của nhóm bắt nguồn từ việc nghiên cứu các đặc tính sống và sinh trưởng của cây xương rồng, đặc biệt là nhiều loại xương rồng thuộc bang Arizona của Hoa Kỳ, như thấm nước, hút nước, giữ nước. Mô hình này có tên là bình năng lượng “The cartus device – Extracting water from the air”. Chúng hoạt động dựa trên nguyên lý của cây xương rồng để hút nước từ không khí, đẩy thông qua hệ thống làm lạnh và ngưng tụ để thành nguồn nước sử dụng được sau đó trộn với chất dinh dưỡng cung cấp cho vườn rau thủy canh. Mô hình vườn rau thủy canh có thể được ứng dụng rộng rãi ở nhiều khu vực, đặc biệt những vùng đang bị tình trạng thiếu nước và thiếu đất. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn năng lượng gió, là một trong những nguồn năng lượng sạch, tự nhiên cung cấp năng lượng cho toàn hệ thống đồng thời ứng dụng công nghệ IOT (internet of thing) mà người sử dụng có thể quản lý được hệ thống của mình dù đang ở bất kỳ đâu. Do đó, hệ thống này giúp cho người nông dân tiết kiệm thời gian, công sức và giảm chi phí vận hành trong thời gian dài, đặc biệt hữu ích cho một nước nông nghiệp như Việt Nam và các nước khu vực ASEAN.
Đội Nothing impossible lại mang đến ý tưởng thiết kế thử nghiệm một thiết bị trao đổi nhiệt hiệu quả cao phục vụ cho việc kiểm soát nhiệt độ của ao nhỏ nuôi cá ở Việt Nam. Thiết bị này điều chỉnh nhiệt độ của môi trường nước cho phù hợp cho từng loài thủy sản phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản – một trong những thế mạnh của các nước có nền kinh tế nông nghiệp chiếm chủ yếu. Thiết bị này góp phần giúp ngành thủy sản phát triển các loại cá khác nhau, tăng năng suất và tiết kiệm năng lượng. Ý tưởng này đã mở ra một con đường cho nông dân ở Việt Nam có thể nâng cao khả năng nuôi trồng đa dạng thủy sản mà không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhiệt độ môi trường xung quanh.
“Bằng việc kết nối những sinh viên sáng tạo với các nhà lãnh đạo trong ngành, chúng tôi đặt nền móng để tiếp cận thành công việc học tập và nhân rộng nhiều ý tưởng hay, có ý nghĩa với tất cả chúng ta. Hợp tác với khu vực tư nhân là một cách để thực hiện được điều đó, và chúng tôi mong chờ được chứng kiến sự hợp tác này phát triển mạnh mẽ”, bà Beth S. Paige, Giám đốc Chương trình Phát triển Khu vực tại châu Á của USAID phát biểu.
Cùng chúc mừng và cổ vũ tinh thần cho cả 2 đội đại diện trí tuệ thủ lĩnh trẻ Việt Nam đều đến từ trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh giành được vinh quang cho chúng ta, đặc biệt là giao lưu và tích lũy thật nhiều kinh nghiệm, kiến thức giá trị tại sân chơi lớn và đầy cạnh tranh mang tầm quốc tế này nhé. Tham khảo thêm thông tin về cuộc thi tại website: yseali.state.gov.
GiángTiên